Tiếng Việt | English

17/11/2023 - 08:22

Phát triển bền vững du lịch ở Long An

Với vị trí tiếp giáp TP.HCM, là cửa ngõ nối liền miền Đông và miền Tây Nam bộ, có biên giới với Vương quốc Campuchia, tỉnh Long An có nhiều tiềm năng phát triển du lịch (DL).

Bên cạnh DL sinh thái, DL vùng sông nước, DL nông nghiệp, tỉnh còn có tiềm năng DL về nguồn gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) (tỉnh hiện có 125 DTLSVH, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh). Cùng với đó, DL công nghiệp và DL thể thao cũng gợi mở nhiều tiềm năng phát triển.

Sau khi tỉnh tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022, bức tranh DL của tỉnh có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, hiệu quả. Hiện nay, lượng khách DL đến tỉnh nhiều hơn. Ngành DL tỉnh kết hợp doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp kích cầu DL, quảng bá hình ảnh, khai thác nhiều tour, tuyến, loại hình DL để phục vụ du khách.

Trong 10 tháng năm 2023, khách DL đến Long An đạt trên 800.000 lượt, tăng 49% so cùng kỳ, tăng 10% so với kế hoạch, trong đó có khoảng 14.800 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt khoảng 476 tỉ đồng, tăng 75% so cùng kỳ và tăng 17% so với kế hoạch.

Long An đang phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ yếu: Các sản phẩm DL đặc thù (DL sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười); các sản phẩm DL chính được xây dựng trên cơ sở khai thác kết hợp các sản phẩm DL và sản phẩm DL bổ trợ (Happyland, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Vườn thú Mỹ Quỳnh, Công viên nước RIO, Sân golf West Lakes, Chavi Garden,...); các sản phẩm DL bổ trợ: Xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa quà lưu niệm phục vụ du khách tại các khu DTLSVH. Ngoài ra, còn có DL trải nghiệm, DL làng nghề; DL lễ hội, DL tâm linh - tín ngưỡng;...

Tỉnh cũng xây dựng các tour, tuyến, điểm đến nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về DL; tạo sự liên kết các địa phương trong tỉnh, liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp DL để giới thiệu, quảng bá, khai thác tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững.

Các địa phương cũng chuyển hóa các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP thành sản phẩm DL để tận dụng tối đa ưu thế xuất khẩu tại chỗ cho nông sản.

Thế nhưng, DL Long An vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, hiệu quả chưa cao. Đây là điều trăn trở không chỉ trong các cấp chính quyền, doanh nghiệp DL mà còn của những người yêu mến, tự hào về vùng đất hiền hòa, “trung dũng, kiên cường” bên dòng sông Vàm Cỏ.

Trong tuần này, có 2 sự kiện về DL thu hút sự quan tâm của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp DL lẫn dư luận xã hội, nhất là những người thích DL. Đó là Hội thảo Phát triển DL tỉnh Long An năm 2023 với chủ đề Phát huy giá trị DTLSVH gắn với phát triển DL. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu thảo luận về những giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử Long An cũng như đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh.

Các khó khăn, vướng mắc được chỉ ra là chính sách đất đai, thuế đất, người dân chưa mặn mà với DL tỉnh nhà, giao thông chưa hoàn thiện, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các trường học trên địa bàn tỉnh.

Ở phạm vi toàn quốc, sáng ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững”. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có giải pháp hóa giải khó khăn, khai thác, nắm bắt tốt cơ hội. Trong đó, các cấp, các ngành, doanh nghiệp DL cần nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách để tạo đột phá; huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ DL; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp; thay đổi cách quản lý, quản trị liên quan đến DL từ cấp quốc gia, địa phương, doanh nghiệp,... để thúc đẩy DL phát triển nhanh, bền vững.

Hiện nay, DL cả nước còn những tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ phục hồi lượng khách DL quốc tế còn thấp so với trước dịch Covid-19 và so với năng lực chung của ngành; các hoạt động quảng bá, xúc tiến DL chưa bảo đảm yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm; sản phẩm DL chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn;...

Dự và phát biểu tại Hội thảo Phát triển DL tỉnh Long An năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đề nghị, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển DL trên địa bàn. Các ngành chức năng cùng các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh phát triển DL, nhất là DL LSVH, tạo điều kiện để học sinh được đến các DTLSVH trong tỉnh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi tình yêu quê hương.

Như vậy, muốn phát triển DL bền vững, bên cạnh công tác truyền thông, cần thay đổi, nâng cao tư duy DL trong hệ thống chính trị và người dân song song với tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ những người làm DL; đồng thời, có cơ chế thông thoáng, đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng DL,... để DL “cất cánh”./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết