Tiếng Việt | English

30/03/2023 - 09:32

Phiếu tín nhiệm - thước đo phẩm chất, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý


Ảnh minh họa (Nguồn: tuyengiao.vn)

Gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII), Long An đã và đang tích cực thực hiện cải cách hành chính, đạt những kết quả tích cực: Triển khai, thực hiện hiệu quả thể chế hành chính nhà nước; thủ tục hành chính đã chuyển biến căn bản theo hướng công khai, hiện đại, đơn giản và thuận tiện hơn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được nâng cao; đổi mới mạnh mẽ chế độ công vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công; thúc đẩy chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước;... tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Vận hành hoạt động của nền hành chính nhà nước, CBCC là một "mắt xích" quan trọng, là chủ thể trong quá trình cải cách hành chính. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Những năm qua, đội ngũ CBCC của tỉnh đã có bước trưởng thành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CBCC từ tỉnh đến cơ sở chưa ý thức được trách nhiệm của mình, chưa nỗ lực, thiếu sáng tạo trong công việc. Vẫn còn ở nơi này, nơi kia những CBCC có biểu hiện quan cách hoặc “bình chân như vại”, “ngồi nhầm chỗ”, “thủ thế chờ thời” hoặc kéo bè, kéo cánh, tạo ra sức ì trong bộ máy; thậm chí, có CBCC thoái hóa, biến chất, thực hiện không đúng, vi phạm pháp luật,... trở thành những “con sâu” phá hoại, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Điều này vừa gây tâm lý ức chế, tiêu cực đối với doanh nghiệp, người dân, vừa tạo không khí căng thẳng trong chính các cơ quan, tổ chức. Đây là dấu hiệu đáng báo động đối với nền hành chính công hiện đại “của dân, do dân, vì dân”, nhất là trong việc phát huy dân chủ, thực thi nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, có năng lực kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân.

Hiệu quả công việc chính là thước đo chính xác nhất ý thức trách nhiệm, năng lực cống hiến của cán bộ. Chúng ta đang rất cần những người năng động, sáng tạo, quyết liệt, mạnh mẽ, vì nước, vì dân, nên việc lấy phiếu tín nhiệm (PTN) đối với cán bộ là thực hiện quyền dân chủ, giám sát, đánh giá độ tín nhiệm của nhân dân đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ hiện nay. Đây cũng là dịp để đánh giá hiệu quả công việc của các vị trí chủ chốt; đồng thời, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với CBCC trong hệ thống chính trị các cấp theo tinh thần Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy PTN đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Tín nhiệm là thước đo danh dự nhưng không chỉ là danh dự. Tín nhiệm được xác lập thông qua hành động nhưng không chỉ là hành động. Vượt lên trên hết, tín nhiệm là sự hội tụ của danh dự, sự tin cậy, lòng trung thành, tính chung thủy, khí chất và cả phẩm giá của con người. Tín nhiệm tối thiểu cũng phải tương thích với phạm vi quyền lực bởi nó là sự cộng hưởng tốt nhất. Tín nhiệm càng cao thì khả năng thực thi quyền lực càng hiệu quả.

Việc lấy PTN phải tổ chức sao cho khách quan, khoa học, phù hợp. Người tham gia bỏ phiếu phải thực sự là những người nắm được cơ bản tình hình, kết quả công việc của những người được lấy PTN. Tránh tình trạng bỏ phiếu theo cảm tính, theo đám đông. Ví dụ như cấp cơ sở, nên lấy PTN của bí thư chi bộ, trưởng khu phố, trưởng ấp, đại diện các ngành, đoàn thể, đại biểu HĐND xã,... đối với các chức danh thường vụ đảng ủy, những người đứng đầu chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cấp xã; cấp huyện nên lấy PTN của các ủy viên ban thường vụ các cơ sở, cấp trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, đại biểu HĐND huyện,... đối với các chức danh thường vụ huyện ủy, những người đứng đầu chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện.

Một thành phần cũng rất quan trọng cần được lấy PTN là CBCCVC tại cơ sở của cán bộ được lấy PTN. Mỗi lá phiếu là sự gởi gắm niềm tin và hy vọng. Việc lấy phiếu này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn chứ không phải là sự đánh giá từ cấp trên, sẽ tránh được tình trạng cán bộ “nịnh trên, nạt dưới”, chỉ biết cách đối phó với cấp trên bằng những báo cáo thành tích, không đúng thực tế. Từ đó giúp cán bộ cố gắng nhiều hơn trong công việc, quan tâm nhiều hơn đến cấp dưới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nếu tổ chức thật công khai, nghiêm túc, thật sự cầu thị để lắng nghe thì sau mỗi lần lấy PTN, người làm tốt được ghi nhận sẽ thêm phấn khởi, tự tin; người làm chưa tốt được cảnh báo, nhắc nhở, ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ càng được thể hiện rõ ràng hơn. Mỗi loại thước đo có một cách thể hiện khác nhau, riêng thước đo tín nhiệm thì không đơn giản chỉ là những con số. Đây cũng là cơ sở, điều kiện, một kênh quan trọng để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, có khi không cần chờ đến hết nhiệm kỳ. Nhờ vậy, không những hình ảnh, uy tín của cán bộ được củng cố mà công việc chung của mỗi ngành, địa phương, đơn vị sẽ có những chuyển biến tích cực./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết