Tiếng Việt | English

28/05/2023 - 11:13

Quay lén phim chiếu rạp tung lên Facebook, bị xử lý thế nào?

Tôi thường thấy tại các rạp chiếu phim hay để bảng ghi chữ “cấm quay phim, chụp ảnh”. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp quay lén phim chiếu rạp rồi phát tán lên mạng xã hội Facebook thì bị xử lý thế nào?

Quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên Facebook, bị xử lý thế nào? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Luật sư TRẦN THỊ HẬU - Đoàn luật sư Đà Nẵng - tư vấn:

Có thể hiểu quay lén phim chiếu rạp là hành vi sao chép, tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào (khoản 10, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ).

Phim chiếu rạp là tác phẩm điện ảnh, được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điều 19, điều 20, điều 21, Luật Sở hữu trí tuệ. 

Mọi hành vi sao chép phim phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp ngoại lệ được sao chép theo quy định tại khoản 3, điều 20 và điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ.

Cá nhân, tổ chức có hành vi sao chép tác phẩm điện ảnh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc hình sự.

Về chế tài hành chính:

Theo quy định tại điều 18, nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 28/2017, hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng. 

Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt áp dụng với cá nhân.

Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Về chế tài hình sự:

Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại điều 225, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bên cạnh việc bị xử lý theo các chế tài trên, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết