Tiếng Việt | English

08/04/2025 - 18:40

Sinh thêm con - Quyết định khó khăn nhưng phù hợp

Ngày nay, vì áp lực công việc, điều kiện gia đình,... khiến nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con hoặc không sinh con. Với thực tế đó, nhiều chính sách đang được sửa đổi như không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3; miễn, giảm học phí;... để tạo thêm động lực và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.

 Sinh đủ 2 con góp phần tránh được tình trạng già hóa dân số, vì sự phát triển chung của đất nước

Ở tuổi 36, là con một trong gia đình, chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chịu nhiều áp lực khi vừa chăm con nhỏ, vừa nuôi cha mẹ già. Chị Hà bày tỏ: “Vợ chồng tôi cũng đắn đo, lo mất sự ổn định và thảnh thơi nên sau 10 năm mới quyết định sinh con thứ 2. Tôi thấy lựa chọn này là đúng đắn, nhất là trong xu thế già hóa dân số (DS) hiện nay”.

Thực tế cho thấy, công tác DS hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Theo số liệu thống kê, năm 2023, mức sinh là 1,96 con/phụ nữ, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới.

DS Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có DS già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049.

Trước thực trạng này, tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện mức sinh, ứng phó với già hóa DS đang cận kề. Đặc biệt, tỉnh ban hành các chính sách khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng DS.

Đội ngũ làm công tác DS từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và sinh con trước 35 tuổi. Nhờ đó, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao.

Anh Trần Văn Tùng (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An) nói: “Vợ chồng tôi quan niệm con là "lộc trời". Dù kinh tế còn khó khăn nhưng tôi nghĩ là nuôi con trong khả năng của mình, miễn sao con vẫn phát triển tốt. Có con, vợ chồng tôi có động lực cố gắng mỗi ngày”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về vấn đề kết hôn và sinh con

Bên cạnh những giải pháp khuyến khích tăng mức sinh, trong quá trình xây dựng Luật DS, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Đây được xem là một trong nhiều giải pháp nhằm tăng mức sinh trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Y tế cũng đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con.

Gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Hướng dẫn số 05 về thực hiện Quy định số 69 của Bộ Chính trị, liên quan việc kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2025. Trong đó nêu rõ: “Không xem xét xử lý đối với hành vi quy định tại khoản 2, Điều 1 Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12, ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh DS năm 2003 “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định””.

Với thay đổi này, từ ngày 20/3/2025, đảng viên sinh con thứ 3 không còn bị kỷ luật. Việc sinh con thứ 3 cũng không còn là hành vi vi phạm để xem xét xử lý kỷ luật Đảng.

Cộng tác viên DS, Gia đình và Trẻ em xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An - Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ vui mừng và cho rằng: “Việc bãi bỏ xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3 nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tăng mức sinh, đặc biệt là các khu vực có mức sinh thấp. Điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay”.

Sinh thêm con là quyết định mang tính cá nhân nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội. Dù khó khăn nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, tâm lý và hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, nhiều cặp vợ chồng có thể sinh thêm con để góp phần vì sự phát triển chung của đất nước./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết