Tiếng Việt | English

28/04/2021 - 09:24

Sống mãi những ký ức hào hùng

46 năm đã trôi qua nhưng những ký ức hào hùng về ngày giải phóng miền Nam vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người lính Cụ Hồ năm nào. Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Ký ức của người cựu tù

Vượt gần 50km, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Chiến (SN 1955, ngụ xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) - chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa. Hiện ông là thương binh hạng 3/4. Thời chiến, gia đình ông sinh sống tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Xã Tân Mỹ khi đó có 4 ấp nhưng có đến 6 đồn của giặc. Nhà nằm cạnh đồn Bến Long nhưng gia đình ông vẫn tham gia nuôi, giấu cán bộ. Từ việc làm của cha, qua những cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng các chú, các anh, ông Chiến được giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Ông Phạm Văn Chiến từng bị địch bắt tù đày năm 1974

Mặc dù khi ấy tuổi đời còn khá trẻ nhưng ông Chiến đã tham gia lực lượng giao liên. Ngoài ra, ông còn kết hợp cùng 5 anh em trong xóm tổ chức trộm lựu đạn của giặc. Sau thời gian dài hoạt động, ông bị giặc phát hiện. Để tránh bị giặc bắt, ngày 10/2/1972, ông Chiến cùng mọi người thông báo gấp tình hình cho lực lượng cách mạng. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, ông cùng các anh em được hướng dẫn tham gia bộ đội. Khi đó, ông và mọi người được cử đi Campuchia học quân sự để về bổ sung cho lực lượng bộ đội địa phương huyện Đức Hòa.

Trong ký ức của ông Chiến, mùa hè đỏ lửa năm 1972 là trận chiến rất ác liệt. Lúc bấy giờ, nhiều xã trở thành vành đai trắng, lực lượng cách mạng đã hy sinh nhiều. Năm 1973, xã Tân Mỹ bị đánh phá dữ dội, lực lượng ở xã bị hao tổn nhiều. Khi đó, cấp trên đưa ông Chiến và một số anh em trong lực lượng vũ trang về xã, ông giữ chức Xã đội phó. Năm 1974, ông Chiến tham gia đánh 3 đồn giặc, đánh đến đồn Bến Long thì ông bị thương rồi bị giặc bắt vào tháng 6. Ông Chiến bị thương khá nặng ở tay, đầu, gãy xương sườn, không thể tiến hành thẩm vấn ngay nên chúng đưa ông vào điều trị ở Quân đoàn 3 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điều trị chưa được bao lâu thì ông Chiến bị giặc mang ra thẩm vấn. Nhớ lại những ngày tháng bị giặc tra khảo, thẩm vấn, ông Chiến chỉ gói gọn trong 2 từ “dã man”.

Theo lời kể của ông Chiến, suốt nhiều tháng ròng, cứ 10 giờ, giặc lại tra khảo, những câu hỏi “ở nhà ai? ai nuôi?” được chúng lặp đi, lặp lại mỗi ngày. Mặc dù bị đánh, bị tra tấn bằng điện nhưng ông Chiến vẫn quyết không khai nửa lời. Ông kể tiếp: “Mỗi người bị giam trong một căn hầm tối, chân bị còng, chỉ khi giặc đưa cơm mới được nhìn thấy ánh sáng, có hôm cơm chưa kịp ăn đã bị chuột ăn hết”.

Sau 3 tháng ở hầm biệt giam tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông Chiến bị đưa ra Khám lớn Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ trước đây). Đây là nhà tù rất lớn ở vùng Tây Nam bộ. Năm 1974, khi bị giam tại Khám lớn Cần Thơ, ông Chiến gặp được nhiều anh em trong lực lượng cách mạng, mọi người cùng tham gia sinh hoạt chính trị.

Ông Chiến cho biết: “Mặc dù bị giam giữ nhưng lực lượng cách mạng vẫn tìm được cách liên lạc với bên ngoài để nắm tình hình. Ngày nhận được tin miền Nam sắp giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi không biết phải dùng từ ngữ gì để diễn tả hết những cảm xúc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sợ giặc hủy diệt tù binh nên mọi người đào hầm trong khám để đề phòng bất trắc. Lúc bấy giờ, gần như Cần Thơ được giải phóng cuối cùng. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được lập danh sách trao trả theo từng địa phương. Ngày được trở về đoàn tụ cùng gia đình là một cảm xúc lâng lâng khó tả”.

Những dấu mốc không quên

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, người dân cả nước lại được sống lại những ký ức hào hùng về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Văn Qui, một trong những gia đình có truyền thống cách mạng tại xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa. Được biết, ông có 14 anh chị em. Ông Qui là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trồ. Mẹ có 3 người con, 2 con rể, 1 cháu ngoại hy sinh trong kháng chiến, 2 người con là thương binh. Ngoài ra, chị thứ 6 của ông Qui cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Là thương binh hạng 2/4, trở về với cuộc sống đời thường, ông Võ Văn Qui tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương

Ở tuổi 82, mái tóc bạc trắng nhưng trong tâm khảm của ông Qui vẫn vẹn nguyên những ký ức về một thời chinh chiến. Theo ông Qui, cuộc sống thời chiến rất ác liệt nên sự sống mong manh. Ngày đó, tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc giúp con người vượt qua những khó khăn, gian khổ. Ông tham gia cách mạng năm 1960, từng làm du kích, dân công hỏa tuyến.

Tay phải run run, ông từ từ rót trà vào ly. Vì hiếu khách nên ông muốn tự tay châm trà cho chúng tôi dẫu bàn tay chẳng còn lành lặn vì bom, đạn chiến tranh. Ông nói, cuộc đời mỗi người sẽ có những dấu mốc mãi mãi không thể quên. Với ông, ngày 28/6/1967 là một dấu mốc như vậy. Ngày đó, trong một lần đánh biệt kích, ông bị lựu đạn nổ, cướp đi đôi tay lành lặn của người du kích, dân công hỏa tuyến.

Ông Qui bồi hồi nhớ lại: “Sau cú nổ, đôi tay đầy máu nhưng tôi vẫn rất tỉnh táo. Từ người lành lặn, phút chốc bị cướp đi đôi tay nên ban đầu tôi cũng bị sốc và chưa thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, tôi thầm nghĩ, một khi đã tham gia cách mạng, ngoài việc chấp nhận những khó khăn, gian khổ thì chúng ta phải bình tĩnh chấp nhận cả những hy sinh, mất mát, còn làm được gì cho đất nước thì tiếp tục cống hiến. Tôi bắt đầu tập làm quen với mọi sinh hoạt, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Đôi tay dù không còn lành lặn nhưng vẫn còn đôi chân khỏe mạnh, chỉ cần làm được việc gì là tôi đều tham gia”.

Trong ký ức của ông Qui, ngày chứng kiến xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa được giải phóng cũng là một dấu mốc không thể quên. Khoảng 14 giờ ngày 28/4/1975, xe tăng tiến vào bắn bay đồn bót của giặc. Nghe tiếng xe, từ xa nhìn về hướng cầu Ông Bàn, chứng kiến cảnh người dân đổ ra đường hò reo, ôm nhau sung sướng, lòng ông Qui cũng vui mừng khôn xiết.

Chia sẻ về mốc son chói lọi ngày 30/4/1975, cả ông Chiến và ông Qui đều khẳng định, chiến thắng được tạo nên nhờ tình yêu nước và quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ của cả dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy tối đa tạo nên chiến thắng vẻ vang, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Giờ đây, sống giữa thời bình, những người lính năm nào vẫn luôn giáo dục con, cháu phải cố gắng rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ trước./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết