Tiếng Việt | English

01/09/2018 - 13:55

Sức bật từ những vùng đất anh hùng

Long An có 3 huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ đổi mới: Bến Lức, Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường và Mộc Hóa), Cần Đước. Những địa phương này luôn nỗ lực giữ vững danh hiệu và đạt nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức có nhiều tiềm năng,  lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Sản xuất công nghiệp đạt nhiều kết quả

Năm 2010, Bến Lức là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Đạt thành tích này là cả một quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Hiện nay, huyện duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) kinh tế ở mức cao. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 10 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.200ha. Nhiều khu dân cư đô thị mọc lên, hứa hẹn mang đến sự phát triển sôi động. 

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), Huyện ủy tập trung triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực kinh tế đạt khá cao, cơ cấu GTSX chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. GTSX công nghiệp năm 2018 ước đạt 73.638 tỉ đồng (chiếm khoảng 32% so với toàn tỉnh), tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. 

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, với nhiều loại hình hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành thương mại - dịch vụ bình quân đạt 20,5%/năm (NQĐH 17%/năm), GTSX năm 2018 ước đạt 8.023 tỉ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015.

“Huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp. Đặc biệt, huyện tiếp tục tập trung triển khai thực hiện và bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2020 làm cơ sở tiếp nhận thêm các dự án đầu tư trên địa bàn” - ông Trần Văn Tươi cho biết thêm.

Vùng biên chuyển mình

Năm 2013, huyện Mộc Hóa cũ (nay là thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của một địa phương vùng biên giới khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh. 

Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng cho biết, đầu năm 2013, điều chỉnh địa giới hành chính Mộc Hóa cũ thành lập thêm thị xã Kiến Tường. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, bộ mặt địa phương ngày càng khởi sắc. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), tổng GTSX hàng năm của huyện đều tăng (năm 2015 đạt 1.683 tỉ đồng, năm 2016 đạt 1.820 tỉ đồng, năm 2017 đạt 1.878 tỉ đồng); trong đó, GTSX ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng cao (trên 80%). Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 11/19 trường đạt chuẩn quốc gia; 7/7 xã được công nhận đạt bộ tiêu chí (TC) quốc gia về y tế; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,2%; có 97% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa), 33/33 ấp văn hóa, 3/7 xã được công nhận xã văn hóa;...

Phát huy truyền thống anh hùng, thị xã Kiến Tường là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Đặc biệt, địa phương có vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH vùng biên gắn với bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị, láng giềng với nước bạn Campuchia.

Kiến Tường phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2020

Kiến Tường phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2020

Theo Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Phạm Tấn Hòa, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ thị xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), Kiến Tường đạt và vượt 19/24 chỉ tiêu NQ. Đến nay, thị xã hoàn thành thêm 2 TC của đô thị loại III, nâng tổng số TC đã đạt lên 52/59 TC; các chỉ tiêu còn lại từng bước được nâng lên: Tỷ lệ tăng dân số hàng năm, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị. Công tác xây dựng cơ bản được tập trung thực hiện hiệu quả, nhất là các công trình trọng điểm theo NQĐH XI. Từ đầu năm 2015 đến nay, thị xã đầu tư 675 công trình với tổng kinh phí trên 748 tỉ đồng. 

Phát huy những kết quả đã đạt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kiến Tường tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước xây dựng, đưa vào hoạt động một số phân khu chức năng trong Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp,… Qua đó, phấn đấu trở thành đô thị năng động, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Vươn lên từ gian khó

Cần Đước hôm nay khoác trên mình “chiếc áo” mới! “Từ ngày hòa bình đến những năm 90, Cần Đước là huyện nghèo, thuần nông, diện tích nhỏ, người đông, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bây giờ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên” - ông Nguyễn Bửu Long, ngụ xã Long Trạch, phấn khởi nói. 

Năm 2015, huyện được công nhận danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường nhận định, đạt kết quả này là nhờ Đảng bộ luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh, trí tuệ của tập thể và sự đồng thuận của người dân. Nhờ chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. 

Ngoài cây lúa, sản xuất dưa hấu theo hướng an toàn góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân vùng biên Mộc Hóa

Ngoài cây lúa, sản xuất dưa hấu theo hướng an toàn góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân vùng biên Mộc Hóa

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2015-2020), huyện đạt 13/19 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu về KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đều đạt và gần đạt so với NQ. Kinh tế nông nghiệp chiếm 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 65%, thương mại - dịch vụ chiếm 22% trong cơ cấu kinh tế huyện. Hiện huyện tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau ở vùng thượng và tôm giống chất lượng cao ở vùng hạ; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng huyện điểm điển hình về văn hóa, xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Danh hiệu AHLĐ là phần thưởng cao quý. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy thành tích ấy trong giai đoạn hiện nay với các địa phương là động lực quan trọng để vững bước tiến đến tương lai./.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết