Tiếng Việt | English

24/05/2016 - 16:07

Tân Hưng: Hiệu quả từ dạy nghề lao động nông thôn

Thời gian qua, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Sau khi học nghề, người lao động áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, từ đó năng suất tăng và tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Ông Hà Văn Ky, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất

Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện - Võ Hồng Thái thông tin: “Năm 2015, huyện Tân Hưng giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trang trại là 1.644 lao động. Ngành LĐ-TB&XH huyện phối hợp các ngành liên quan mở 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp,… với 194 học viên tham gia, trong đó 185 lao động có việc làm tại chỗ,… Cuối năm 2015, hộ nghèo của huyện giảm còn 365 hộ (theo chuẩn nghèo cũ)”.

Song song với việc mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện còn quan tâm đến công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó, giúp người dân hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước về lợi ích của việc học nghề tại địa phương.

Đồng thời, huyện chú trọng việc phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tăng cường đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và tạo điều kiện cho người lao động áp dụng kiến thức sau khi học. Huyện chủ động đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng thành lập các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Hà Văn Ky, ngụ thị trấn Tân Hưng cho biết: “Gia đình tôi có kinh nghiệm nuôi bò rất lâu. Do đó, tôi chủ quan, ít tham gia các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật ở địa phương. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên năng suất đàn bò giảm. Để khắc phục tình trạng trên, tôi sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật như: Cách gieo tinh, cách cho ăn,… Qua đó, đàn bò phát triển tốt và chi phí chăn nuôi giảm. Hiện nay, gia đình có 8 con bò nuôi để nái và thu nhập trên 45 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại như: Đa số cấp ủy chính quyền xã chưa chủ động trong việc triển khai đào tạo nghề lao động nông thôn; trình độ nhận thức của người lao động còn hạn chế,… Đặc biệt, khó khăn nhất của huyện vẫn là giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề, vì Tân Hưng là huyện nông nghiệp nên không có nhiều công ty, xí nghiệp,…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, huyện tổ chức điều tra, khảo sát nắm nhu cầu học nghề của từng đối tượng. Đồng thời phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền tư vấn cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp với tình hình thực tế./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết