Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 15:29

Tản mạn chữ hiếu mùa Vu lan

Thời tôi mới vào học lớp năm tức lớp một bây giờ, tuy chưa biết đọc biết viết nhưng đã thuộc lòng bài ca dao: Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha /Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tuổi thơ chưa biết gì, tâm hồn ngây thơ trong trắng như tờ giấy trắng đã được thầy cô giáo viết vào chữ “hiếu” rồi.


(Ảnh: Wikipedia)

Tuy chưa hiểu rõ ràng “đạo hiếu” phải như thế nào, nhưng khái niệm làm con phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là dấu ấn đầu đời khó quên của học sinh lớp người đi trước như chúng tôi. Bước sang năm đầu tiên bậc trung học, chúng tôi lại được giáo dục chữ hiếu bằng tác phẩm “Nhị thập tứ hiếu” tức 24 người con có hiếu ở Trung Quốc thời xưa.

Thực lòng mà nói mãi đến bây giờ tôi không thể nào quên được Ngu Thuấn, hay Mẫn Tử Khiên…. với những dòng thơ vừa nhẹ nhàng, bình dân, dễ hiểu vừa khắc sâu vào tâm hồn: chữ “ hiếu”

Tuy tác phẩm có những hạn chế nhất định về thời đại nay không còn phù hợp nữa (như bài Quách Cự chôn con), nhưng nhìn chung chúng tôi đã học chữ hiếu đại để qua những tấm gương hiếu thảo của người xưa là như vậy. Trong thực tế đời thường không ít người trong chúng tôi đã hành xử đạo hiếu phù hợp với đạo đức xã hội, với luật pháp. Chính tôi đã chứng kiến có người đã không ngần ngại từ bỏ chức quyền, địa vị xã hội để về nuôi cha mẹ cho tới lúc mãn phần.

Bây giờ có thể nói một bộ phận không ít giới trẻ có lối sống thực dụng, chưa quan tâm đến “đạo làm con” và đôi khi còn “bất hiếu” nữa. Chỉ cần gõ vào từ khoá “con hành hạ cha mẹ già” trên Google bạn sẽ không ít chạnh lòng với những hành vi bất hiếu của con cái đối với cha mẹ.

Bất hiếu không phải là anh nông dân một chữ bẻ đôi không biết mà ngay cả những người có học vị và địa vị trong xã hội cũng… bất hiếu! Có một trường hợp cách nay khoảng sáu, bảy năm ở Gò Vấp (TP.HCM), một gia đình có bốn người con trai có học vị (có người là thạc sĩ), địa vị xã hội lại nhẫn tâm hành hạ mẹ già trên 80 tuổi. Vụ việc được các báo thành phố đăng tải và bị xã hội phản ứng dữ dội. Còn và còn không ít những trường hợp tương tự mà những người như bạn, như tôi không thể tưởng tượng nó vẫn còn rơi rớt trong xã hội hiện tại.

Vì sao vậy?

Nguyên nhân thì có nhiều, khách quan lẫn chủ quan. Chúng ta có thể kể do hoàn cảnh kinh tế, xã hội, gia đình, ảnh hưởng xấu của internet…. Nhưng ở góc độ giáo dục tôi xin nêu lên một điều đáng suy gẫm: “Nếu như chương trình bậc Trung học cơ sở bây giờ học sinh được học một số tác phẩm kinh điển về chữ hiếu, trong đó có hai tác phẩm: Gia huấn ca và Nhị thập tứ hiếu thì hay biết mấy!”

CTV Nguyễn Minh Út
 

Chia sẻ bài viết