Tiếng Việt | English

30/09/2023 - 17:20

Tạo đột phá, hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra  

Ngày 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho rằng, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm, nhiệm vụ phát triển KT-XH còn rất nặng nề. Tuy nhiên, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các bộ, ngành, các địa phương trên tinh thần, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, bám sát tình hình, đưa ra nhiệm vụ cụ thể để tạo đột phá, hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. 

Thủ tướng yêu cầu, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, cồng kềnh về thủ tục hành chính và thực hiện các công việc phối hợp hiệu quả hơn.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng, thời hạn theo quy định. Tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, nhất là vướng mắc pháp lý thuộc thẩm quyền.  Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải chỉ đạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm an toàn trong mùa thiên tai, mùa lũ.

Phiên họp được trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Thực hiện luân chuyển các cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì công việc chung,...

Tại phiên họp, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2023 tiếp tục phục hồi khả quan. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quí.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, quí sau cao hơn quí trước. GDP quí III ước tăng 5,33% so cùng kỳ năm trước (quí I tăng 3,28%, quí II tăng 4,05%). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới bình quân đã giảm khoảng 1,0% so cuối năm 2022; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỉ USD (cùng kỳ năm trước là 6,9 tỉ USD). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội. An ninh năng lượng, lương thực, thực phẩm được bảo đảm.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út phát biểu tại điểm cầu trực tuyến tỉnh

Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quí III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và gặp những khó khăn, thách thức: Tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Thiên tai, hạn, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông diễn biến khó lường,.../.

Tại phiên họp, ở điểm cầu trực tuyến tỉnh Long An, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đã có ý kiến phát biểu. Theo đó, ông đánh giá cao việc Chính phủ, bộ, ngành đã thành lập các đoàn đi tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho các địa phương. Qua đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị định, Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung cho những thực tế phát sinh tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cũng thông tin một số nét cơ bản đạt được về tình hình KT-XH của tỉnh Long An trong 9 tháng năm 2023. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sản phẩm (GRDP) ước đạt 5%, đặc biệt khu vực 2 tăng gần 6,5% đã cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp và xuất khẩu đang tăng trở lại.

Ngoài ra, 9 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 67% kế hoạch tổng số vốn; chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã giải ngân trên 60%; các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giải ngân 59%. Tình hình biên giới ổn định, công tác đối ngoại với các địa phương bên nước bạn Campuchia cũng rất tốt.

"Thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn", Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.

Lê Đức - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết