Vang danh khoai mỡ Bến Kè
Huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có diện tích trồng khoai mỡ gần 2.700ha, sản lượng khoảng 34.000 tấn/năm. Không biết tự bao giờ, củ khoai mỡ gắn liền với địa danh Bến Kè của huyện Thạnh Hóa và trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất này. Trước đây là cây trồng phụ nhưng giờ đây, khoai mỡ trở thành nông sản chủ lực. Nhiều khu vực trồng khoai mỡ được chính quyền tỉnh, huyện hỗ trợ thực hiện đê bao, nông dân trồng khoai ngày càng thuận lợi hơn.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi, kỹ thuật canh tác được tích lũy kinh nghiệm qua hàng chục năm khai hoang vùng Đồng Tháp Mười của người dân Thạnh Hóa đã hình thành nên những tính chất đặc thù tạo nên sự khác biệt nhất định so với khoai mỡ từ các vùng sinh thái khác với hai giống khoai mỡ trắng và tím.
Mẫu nhãn hiệu chứng nhận (logo) chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa
Nhiều năm nay, các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh, huyện đã quan tâm, thực hiện thủ tục tạo lập CDĐL khoai mỡ Bến Kè với khát vọng “khoác áo mới” cho loại nông sản dân dã này. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ UBND huyện Thạnh Hóa lập thủ tục xác lập quyền, và đến ngày 05/8/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3333/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00118 chính thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang CDĐL “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa gồm thị trấn Thạnh Hóa và các xã: Thủy Tây, Thủy Đông, Thạnh An, Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây, Tân Đông, Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phú, Thạnh Phước.
Bên cạnh văn bằng bảo hộ CDĐL, hệ thống văn bản, biểu mẫu quản lý sử dụng và hệ thống nhận diện thương hiệu mang CDĐL cũng được xây dựng. UBND huyện Thạnh Hóa được UBND tỉnh giao đứng tên đăng ký và quản lý sử dụng CDĐL. UBND huyện Thạnh Hóa cũng là đơn vị phê duyệt, triển khai sử dụng trên thực tế, tạo cơ sở CDĐL sau khi được bảo hộ sẽ được sử dụng một cách đồng bộ và hiệu quả trên thực tế.
Sản phẩm khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa chính thức bảo hộ CDĐL góp phần làm gia tăng danh tiếng, giá trị sản phẩm khoai mỡ “Bến Kè”. Thông qua đó, việc xác định các tính chất đặc trưng và xây dựng thành công bộ tiêu chí xác định tính chất đặc thù của sản phẩm khoai mỡ mang CDĐL “Bến Kè”, hệ thống công cụ kiểm soát sử dụng CDĐL, tạo sự đồng nhất về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm được lưu thông trên thị trường.
Hiện nay, khoai mỡ được trồng theo hình thức liên kết. Tại Thạnh Hóa có Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Kè (HTX Bến Kè) đứng ra liên kết sản xuất với nông dân. Theo Giám đốc HTX Bến Kè - Phan Thành Dũng, HTX hiện có 12 thành viên (TV) sản xuất 35ha khoai mỡ. Tất cả diện tích này đều được chứng nhận VietGAP. Do nhu cầu thị trường cung không đủ cầu, HTX mở rộng TV liên kết, sản xuất theo hướng VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX chuẩn bị kết nạp thêm 15 TV, nâng tổng diện tích sản xuất của HTX lên khoảng 95ha và thực hiện thủ tục để chứng nhận VietGAP tất cả diện tích này.
Không giống như nhiều loại nông sản khác, khoai mỡ chỉ trồng được 1 vụ duy nhất trong năm, sau hơn 4-6 tháng thu hoạch. Do được tập huấn hướng dẫn thay đổi phương pháp sản xuất, năng suất khoai mỡ của TV HTX Bến Kè đạt sản lượng cao, bình quân đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ. Theo ông Phan Thành Dũng, khoai mỡ hiện có giá 21.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu vào, nông dân trồng khoai thu lãi từ 200-250 triệu đồng/ha/vụ. Để kích thích nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, HTX thu mua của TV chính thức, TV liên kết (sản xuất VietGAP) giá cao hơn giá thị trường từ 500-1.500 đồng/kg (tùy thời điểm). Khoai mỡ khi trồng theo hướng VietGAP có chất lượng tốt, khoai không bị tim, không vàng hay đen ruột, củ khoai chắc.
Từ khi HTX Bến Kè bắt tay vào sản xuất và được chứng nhận VietGAP; đồng thời, được các ngành chức năng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến thị trường tiêu thụ, 3 năm trở lại đây, khoai mỡ không chịu cảnh “được mùa, mất giá” như trước đây. Giờ đây, nông dân ai cũng phấn khởi, chờ tới vụ xuống giống, chăm bón và thu hoạch. Cũng từ đó, khoai mỡ thêm “rạng danh” và khách hàng tìm đến HTX nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường 5 tấn khoai mỡ. Thị trường rất đa dạng, gồm: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp cung ứng, chuỗi thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, chế biến xuất khẩu,...
Ông Phan Thành Dũng cho biết thêm, việc Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ, chắc chắn khoai mỡ có đầu ra ngày càng ổn định hơn. HTX đã nhận nhiều lời hợp tác từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa, “chiếc áo mới” mà khoai mỡ đang mặc sẽ ngày càng đẹp hơn, rạng rỡ hơn, nông dân sẽ bám nghề, tạo thu nhập bền vững từ nghề trồng khoai mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Thạnh Hóa.
Nâng cao giá trị nếp Thủ Thừa
Ngày 02/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 240/QĐ-SKHCN phê duyệt nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa. Theo đó, Sở KH&CN triển khai Dự án tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho các sản phẩm gạo nếp của huyện Thủ Thừa. Sau quá trình kiểm tra hồ sơ đăng ký và thẩm định các điều kiện bảo hộ, ngày 24/5/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 42910/QĐ-SHTT về việc cấp Văn bằng số 423084, chính thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho các sản phẩm gạo nếp của huyện Thủ Thừa
Khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” bao gồm các xã/thị trấn trên địa bàn huyện Thủ Thừa: Thị trấn Thủ Thừa, Long Thạnh, Tân Thành, Long Thuận, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Bình An, Nhị Thành, Mỹ An, Bình Thạnh, Mỹ Phú, Tân Long. UBND huyện Thủ Thừa là đơn vị quản lý sử dụng nhãn hiệu. Đây là một trong những biện pháp nhằm xác lập quyền sở hữu và khẳng định chất lượng sản phẩm gạo nếp của huyện Thủ Thừa. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm, tương xứng với chất lượng vượt trội so với gạo nếp của địa phương khác.
Huyện Thủ Thừa có hơn 17.000ha đất sản xuất lúa, trong đó, lúa nếp chiếm khoảng 97%. Theo dự án, vùng sản xuất nếp mang nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” là vùng địa lý có đầy đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc phù hợp sự phát triển sinh trưởng của 2 giống nếp IR 4625 và OM 84 có chất lượng ổn định và tạo nên danh tiếng gần xa.
Việc tạo lập thành công nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” được xem là dấu mốc quan trọng mang tính chiến lược để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu nếp - một trong những đặc sản của huyện Thủ Thừa và tỉnh Long An. Đây cũng là cơ sở quan trọng để địa phương quy hoạch lại vùng trồng cũng như tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với thương hiệu sản phẩm.
Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh và rủi ro hàng hóa giả mạo xuất hiện ngày càng nhiều, công cụ sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm. Do đó, việc triển khai thành công 2 nhiệm vụ CDĐL “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ và nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giữ gìn danh tiếng các nông sản của tỉnh. Đó cũng là động lực giúp nông dân sản xuất nhận thức đầy đủ trách nhiệm giữ gìn thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại và đứng vững trên thị trường ngày càng cạnh tranh hiện nay./.
Việc triển khai thành công 2 nhiệm vụ chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ và nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giữ gìn danh tiếng các nông sản của tỉnh. Đó cũng là động lực giúp nông dân sản xuất nhận thức đầy đủ trách nhiệm giữ gìn thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại và đứng vững trên thị trường ngày càng cạnh tranh hiện nay”.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Minh Hải
|
Gia Hân