Tiếng Việt | English

08/07/2016 - 14:35

Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

Phong trào Đồng hành với thanh niên (TN) lập thân, lập nghiệp nhằm tạo việc làm cho TN nông thôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào TN. Đây là một trong những yếu tố để tập hợp và thu hút TN nông thôn tham gia sinh hoạt Đoàn trong thời gian qua.

Hiệu quả từ những nguồn vốn

Một ngày của bạn Trương Hoàng Quân, ngụ ấp 4, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Sau khi phụ mẹ chăm sóc đàn bò, Quân đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Dáng người gầy, nước da ngăm đen, Quân trông già dặn hơn so với độ tuổi 9x của mình.

Trương Hoàng Quân trồng cỏ để phục vụ việc chăn nuôi bò

Là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em, từ nhỏ, cuộc sống gia đình Quân rất khó khăn. Năm 16 tuổi, khi cha qua đời, Quân nghỉ học phụ giúp gia đình.

Sau khi đi bộ đội, xuất ngũ trở về địa phương, nhận thấy không thể cứ mãi đi phụ hồ, Quân vay 30 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.Tân An, cùng số tiền tiết kiệm, mua 2 con bò thịt về nuôi. Qua 4 năm, nhờ cần cù, chịu khó học tập kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi khác, Quân phát triển đàn bò lên 8 con với diện tích trồng cỏ 1.500m2.

Trương Hoàng Quân chăm sóc đàn bò của mình

Quân chia sẻ trong niềm tự hào, sung sướng: "Tôi rất vui vì mẹ không phải vất vả đi phụ hồ như trước đây nữa. Nợ ngân hàng đã trả xong, em tôi được đến trường như bao đứa trẻ khác". Đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được niềm vui mừng ánh lên trong đôi mắt khi vợ chồng Quân chuẩn bị đón đứa con đầu lòng trong điều kiện kinh tế ổn định.

Không chỉ chăm lo cho gia đình, Quân còn tích cực tham gia công tác Đoàn và các phong trào của địa phương.

Khởi điểm với 20 triệu đồng vốn vay từ Quỹ David Dương, anh Cao Phú Khánh, ngụ ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa mạnh dạn đầu tư nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi ếch, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Anh Cao Phú Khánh bên mô hình lươn không bùn

Sau 5 năm thử nghiệm, anh vay thêm 12 triệu đồng từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cùng tiền tích lũy, mở rộng nuôi cá trê vàng, nuôi bò, cá thác lác và cá rô. Tổng thu nhập hằng năm của anh đạt hơn 100 triệu đồng, trở thành TN sản xuất, kinh doanh giỏi. Anh cũng là một trong những cá nhân được Tỉnh đoàn giới thiệu Trung ương Đoàn xét tặng giải thưởng Lương Định Của.

Anh nói: "Lúc đầu, tôi gặp khó về đầu ra cho sản phẩm. Khi ấy, tôi dành thời gian đi tìm kiếm thị trường tại chợ Bình Điền, TP.HCM. Vài lần đi chào hàng, tôi có được mối quen để bán ếch giống, lươn. Tôi luôn tâm niệm, khi gặp khó khăn, mình không vội nản lòng mà phải nỗ lực vượt qua để thay đổi cuộc sống".

Được biết, nhờ hiệu quả từ chăn nuôi, anh Khánh còn mở đại lý cung ứng nguồn giống, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật cho những TN có chí lập nghiệp. Qua sự hỗ trợ vốn và con giống chăn nuôi của anh, hiện có 5 TN khác trong địa phương thực hiện với quy mô vừa.

Theo Tỉnh đoàn Long An, hiện nay, nguồn vốn Tỉnh đoàn đang quản lý từ Ngân hàng Chính sách Xã hội xét cho TN vay qua các chương trình lên đến 240 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, vốn từ Trung ương Đoàn xét cho TN vay giải quyết việc làm (tập trung tại huyện Cần Đước) khoảng 835 triệu đồng. Nhờ những nguồn vốn này, hàng năm giúp nhiều TN nông thôn nghèo, hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Đến các mô hình

Vấn đề việc làm cho TN nông thôn bao giờ cũng rất cần thiết. Ngoài việc hướng dẫn cho TN tiếp cận được các nguồn vốn, Tỉnh đoàn còn quan tâm triển khai, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Một trong những mô hình được đánh giá cao là nuôi ếch kết hợp nuôi gà rừng lai của chàng trai khuyết tật Võ Văn Ngân - Bí thư Chi đoàn ấp An Ninh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa.

Giống như anh Khánh, anh Ngân cũng được Tỉnh đoàn giới thiệu để xét tặng giải thưởng Lương Định Của.
Ở vùng quê nghèo, nhiều TN trong độ tuổi lao động bỏ ruộng đi làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp, anh Ngân lại chọn cho mình một hướng đi riêng để phát triển kinh tế gia đình. Với vóc người nhỏ bé, đôi chân khập khiễng, anh Ngân ấp ủ giấc mơ vượt lên chính mình.

"Trại ếch" của anh Ngân

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, anh xin vào làm việc cho một nhà hàng ở quận Bình Tân, TP.HCM. Một thời gian sau, được người bạn quê Đồng Tháp giới thiệu mô hình nuôi ếch sinh sản, anh Ngân quyết định nghỉ việc, về quê lập nghiệp.

Lúc đầu, do kỹ thuật nuôi chưa hoàn thiện, tỷ lệ ếch con chết cao. Anh lên mạng tìm kiếm các diễn đàn chăn nuôi để học hỏi.

Sau thời gian nghiên cứu và áp dụng, anh nuôi thành công 1.000 ếch nòng nọc thành ếch thương phẩm. Thấy có lãi, anh phát triển số lượng lên 1.000 cặp ếch bố mẹ, cho sinh sản và bán ếch giống. Vào mùa sinh sản của ếch (tháng 3 đến 11 âm lịch), trung bình mỗi tháng, anh có 100.000 con ếch giống. Và từ 2 con gà rừng ban đầu, sau 2 năm, anh Ngân có đàn gà rừng lai lên đến vài chục con.

Khi số lượng càng nhiều, vấn đề tìm đầu ra lại càng khiến anh trăn trở. Trong những lần lên mạng tìm kiếm thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, anh tình cờ thấy nhiều người rao bán hàng hóa. Anh quyết định đăng tin bán ếch giống và gà rừng lai trên chợ nông sản online. Chỉ vài ngày sau, anh nhận được điện thoại đặt hàng. Cứ thế, đơn hàng ngày càng nhiều, không chỉ có khách hàng ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ mà có cả khách hàng ở tận Đà Nẵng và miền Bắc. Hiện Thành đoàn TP.Đà Nẵng đặt hàng ếch giống và giới thiệu mô hình chăn nuôi của anh cho các TN khác khởi nghiệp.

Sức khỏe yếu và đôi chân bị tật không cho phép anh đi xa, những đơn hàng được anh gửi xe hoặc máy bay đến tận người mua. Đến nay, ếch giống và gà rừng lai của anh trở thành thương hiệu uy tín trên chợ nông sản online, được nhiều người biết đến. Khi số lượng của gia đình không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ khác trong ấp, đồng thời nhận làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, anh nhân rộng mô hình nuôi ếch giống cho 10 hộ và gà rừng lai cho 20 hộ khác. Nhờ nuôi và làm đầu mối tiêu thụ, 7 năm qua, mỗi năm anh Ngân thu được từ 50-200 triệu đồng.

Đàn gà rừng lai lên đến vài chục con từ 2 con gà rừng giống của anh Ngân

Anh nói: "Là TN khuyết tật, không đủ sức khỏe để làm công việc nặng nhọc nên muốn có việc làm, đem lại thu nhập cho gia đình, bản thân tôi phải lựa chọn công việc phù hợp. Từng học qua ngành kỹ thuật, có điều kiện tiếp xúc với máy tính, Internet, nhờ đó, tôi chọn lựa và tìm tòi, học hỏi. Bán hàng qua mạng cũng là gợi ý rất hay cho những bạn trẻ muốn lập nghiệp vì nó tiết kiệm thời gian, chi phí, thông tin sản phẩm lại đến được với nhiều người. Mong muốn của tôi là có nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô trang trại, tạo thêm việc làm cho TN có hoàn cảnh khó khăn".

Phó ban TN nông thôn-công nhân viên chức Tỉnh đoàn - Phạm Văn Hậu cho biết, ngoài những hoạt động trên, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho TN (6 tháng đầu năm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 25.400 lượt người). Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn gặp khó do công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn có một số nghề chưa thật sự phù hợp với nhu cầu, nguồn vốn hỗ trợ TN còn ít, chưa đáp ứng mong mỏi của TN,...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích