Tiếng Việt | English

27/03/2022 - 10:04

Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2022):

Thể thao Việt Nam và những bài toán cần giải để có sự thành công bền vững

Thể thao Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định trong những năm trở lại đây, nhưng việc duy trì được sự thành công, tạo bước đệm phát triển cho tương lai vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

27/3/2022 là kỷ niệm tròn 76 năm “Ngày Thể thao Việt Nam” và đây là thời điểm mà những người làm thể thao nhìn lại hành trình năm 1 năm để đúc rút ra kinh nghiệm, bài học quý báu trong việc phát triển thể thao quần chúng cũng như thể thao thành tích cao.

Trong 1 năm qua, Thể thao Việt Nam có niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui vì ĐT Futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp góp mặt ở VCK World Cup và vượt qua được vòng đấu bảng. Vui vì ĐT Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và U23 Việt Nam giành chức vô địch U23 Đông Nam Á trên đất Campuchia.


ĐT Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Không chỉ ở môn bóng đá nam, tại môn bóng đá nữ, ĐT nữ Việt Nam đã viết câu chuyện cổ tích trên đất Ấn Độ, khi chiến thắng đại dịch Covid-19 cũng như vượt qua các đối thủ để lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự VCK World Cup.

Bên cạnh những mốc son chói lọi ở các môn bóng đá thì nốt trầm trong 1 năm qua của Thể thao Việt Nam chính là thất bại toàn diện ở Olympic Tokyo 2020 (tổ chức năm 2021). 18 vận động viên đỉnh cao của Việt Nam dù đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở kỳ đại hội trên đất Nhật Bản. Những niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Thị Duyên hay Nguyễn Thị Ánh Viên trở thành nỗi thất vọng.

Mổ xẻ thất bại của Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao cho rằng: “Trình độ vận động viên Việt Nam còn thấp, cách xa với tầm Olympic trong khi trình độ của vận động viên các nước đến Olympic đều là những nhà thể thao xuất sắc của thế giới.

Họ là nhà vô địch thế giới nhiều lần, vô địch Olympic nhiều lần. Nghĩa là những người đến Olympic là những người trình độ cao nhất và chúng ta thua kém nhiều về trình độ nên việc trình độ thấp thì không thể thắng được những người trình độ cao là đương nhiên”.

Sau thất bại toàn diện ở Olympic Tokyo, Thể thao Việt Nam còn nhận thêm tin sét đánh khi “huyền thoại sống” của làng bơi Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên quyết định chia tay ĐTQG. Ở kỳ SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, kình ngư này sẽ không tham gia tranh tài.

Gác lại 1 năm có nhiều niềm vui, nhưng không ít trăn trở, Thể thao Việt Nam phải bước vào thực hiện nhiệm vụ mới của năm 2022. Đó là nhiệm vụ tại SEA Games 31, nơi mà Việt Nam là nước chủ nhà. Đó là tranh tài ở ASIAD 2022 tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc). Đây là 2 nhiệm vụ lớn nhất của Thể thao Việt Nam trong năm 2022.

SEA Games 31 lẽ ra được tổ chức từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giải đấu bị lùi sang năm 2022. Đến thời điểm này, Ban tổ chức đã kêu gọi được đủ số tiền tài trợ như dự kiến để có thể tổ chức thành công giải đấu. Mặc dù còn gần 2 tháng nữa đại hội mới diễn ra, nhưng công tác chuẩn bị của chúng ta đang được các Trưởng đoàn các nước đánh giá cao. Về công tác chuyên môn thì các đội cũng đang tích cực rèn quân để các vận động viên đạt đúng điểm rơi phong độ.

Chia sẻ với VOV.VN trong cuộc phỏng vấn về những nhiệm vụ của Thể thao Việt Nam năm 2022, ông Trần Đức Phấn cho biết: “Tổ chức SEA Games 31 khác hoàn toàn so với các kỳ đại hội trước đó. Bởi vì những lần tổ chức trước chưa lần nào Đông Nam Á tổ chức tất cả các môn Olympic, tổ chức hết nội dung, nhưng lần này Việt Nam tổ chức hết.

Do đó sẽ không có chuyện nước chủ nhà mạnh nội dung nào thì đưa vào thi đấu và cắt bỏ thế mạnh của các đoàn thể thao khác. Ở kỳ đại hội này, các đoàn sẽ thi đấu sòng phẳng ở tất cả các nội dung. Vì vậy, việc cạnh tranh giành huy chương và thứ hạng trên bảng tổng sắp sẽ rất quyết liệt. Không có chuyện nước chủ nhà hơn các nước khác hơn tới 70-80 HCV”.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT.

Tổ chức SEA Games 31 theo khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” cho thấy được sự thay đổi về tư duy của Việt Nam tại đại hội thể thao khu vực. Nếu làm tốt công tác tổ chức trong năm nay đây sẽ là tiền đề tốt để nâng cao chất lượng thể thao của Đông Nam Á trong tương lai.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai còn hiện tại, bản thân Thể thao Việt Nam cũng có những khó khăn và hạn chế của mình cả về con người lẫn tài chính. Mặc dù luôn nằm trong tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng khi tranh tài ở châu lục và thế giới các vận động viên của Việt Nam dù “làm mưa làm gió ở khu vực” vẫn còn kém xa trình độ tại Olympic. Vì thế mới có chuyện chúng ta trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 và một số kỳ Olympic trước đó.


Huyền thoại sống của bơi lội Việt Nam - Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ không tranh tài ở SEA Games 31 (Ảnh: Ngọc Duy).

Trong cuộc phỏng vấn với VOV.VN sau thất bại của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chỉ ra rằng: “Sự việc này là tổng hòa của nhiều vấn đề mà trong đó vẫn là tổ chức huấn luyện. Vấn đề nữa là xã hội hóa, bởi tiền để đầu tư cho thể thao thành tích cao của Việt Nam là tiền từ Chính phủ. Ở đây bao gồm Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương. Ngân sách cho thể thao bao giờ cũng rất thấp.

Trong khi đó, các nước khác xã hội hóa thể thao, huy động nguồn lực của xã hội. Các Liên đoàn lấy tiền của xã hội để làm và trở thành hệ thống từ nhiều năm, thậm chí có nước hàng trăm năm, họ tập trung đầu tư chứ không phụ thuộc Chính phủ. Đầu tư ngân sách không đủ vì tiền của Chính phủ còn phải lo những vấn đề quan trọng hơn của đất nước thì không thể nào có tiền là đủ cho thể thao, do đó phải xã hội hóa thể thao”.

Sau mỗi thất bại của Thể thao Việt Nam, người ta lại mổ xẻ thất bại và đặt nhiều câu hỏi nghi vấn rằng liệu Việt Nam đã đầu tư đúng và trúng chưa, đặc biệt là sau bài học xương máu từ trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Việt Nam là đang đầu tư trọng điểm, chúng ta đi đúng đường lối là đầu tư trọng điểm bởi ít tiền nên phải chọn người giỏi, thế nhưng không đủ lực để làm rộng. Chúng ta không đủ lực để nâng cao trình độ, chứ không phải là không đầu tư trọng điểm.

Chiến lược của chúng ta là tập trung vào một số nội dung và một số vận động viên, nhưng trên thực tế là chỉ được mấy trăm vận động viên nên không ăn thua. Thứ hai, quan trọng nhất là chúng ta không đủ sức để nâng cao trình độ trong suốt quá trình huấn luyện để vận động viên nâng cao thành tích”.


Thể thao Việt Nam đang thiếu những lớp kế cận tài năng (Ảnh: Bùi Lượng).

Rõ ràng để gặt hái được thành công trong thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao thì dù có hạt giống tốt mà không đủ điều kiện để chăm sóc mà ở đây chính là có nhiều tiền đầu tư và không kiên trì thì rất khó để thành công. Thể thao Việt Nam đạt được những mốc son lịch sử trong những năm qua, nhưng đó chỉ là những thành tích mang tích đột biến, dựa trên sự đầu tư hạn chế và sự phi thường của các vận động viên.

Muốn loại được yếu tố “kỳ tích” sang một bên để gặt hái được những thành công bền vững thì Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho thể thao. Có lẽ, khi nào các vận động viên đỉnh cao không phải đi chạy grab, đi làm thêm để theo đuổi đam mê thể thao. Khi nào mà những người đã mang vinh quang về cho đất nước ở các cuộc thi không bị “lãng quên” khi giải nghệ thì chúng ta mới tiến được gần hơn với các nền thể thao phát triển. Tất nhiên, để có một nền thể thao phát triển thì kinh tế của đất nước đó cũng phải lớn mạnh./.

Trí Minh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết