Bên cạnh các dự án luật Báo chí sửa đổi, luật An toàn thông tin, dự án luật Tiếp cận thông tin cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện và vừa qua, Chính phủ đã xin lùi thời điểm trình để có bước chuẩn bị kỹ hơn dự án luật này.
Từ động thái trên, chúng ta thấy thái độ cầu thị trong việc soạn thảo cũng như tầm quan trọng của luật Tiếp cận thông tin. nó rất cần cho cuộc sống, bởi ai cũng có quyền và cần được tiếp cận thông tin. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, khi thông tin bị “nhiễu” ngày càng nhiều thì yêu cầu ra đời của luật Tiếp cận thông tin càng bức bách.
Khi mạng xã hội phát triển mạnh, bên cạnh những hiệu quả thiết thực cũng có không ít hệ lụy, đó là những thông tin không chính xác, xuyên tạc sự thật, bôi đen làm "xám hóa" bức tranh tranh xã hội, gây hoang mang trong dư luận, sẽ dẫn đến khủng hoảng niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước.
Những ai không đủ bình tĩnh suy xét, nhận định sẽ dễ bị lôi cuốn vào những luồng thông tin không chính thống ấy. Như việc Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bị bệnh phải ra nước ngoài điều trị, đã có không ít thông tin thất thiệt, bịa đặt trên mạng Internet, thậm chí còn xuyên tạc rằng ông bị đầu độc.
Đây chính là hệ lụy từ việc các cơ quan chức năng thiếu phát ngôn chính thức và không kịp thời. Người dân luôn cần những thông tin “sạch”, từ nguồn tin chính thống, đáng tin cậy. Đây cũng là quyền của mỗi công dân.Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc cung cấp, đưa thông tin đến với người dân hiện nay có mặt chưa tốt, dù có rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương.
Chỉ riêng việc cung cấp thông tin cho báo chí cũng cho thấy còn nhiều bất cập dù Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được thực hiện hơn 1 năm qua. Đây chính là kẽ hở, lỗ hổng để những thông tin sai trái, xuyên tạc có cơ hội phát tán, gây “nhiễu” trong dư luận. Chính sự dè dặt quá mức, “ngại” cung cấp thông tin, sợ chịu trách nhiệm của không ít cán bộ (được quyền cung cấp) ở các cấp, các ngành làm cho nguồn tin chính thống không được cung cấp kịp thời. Mặt khác, có không ít thông tin, người dân được tiếp cận quá chậm, gây bất an trong dư luận.
Trong khi đó, kẻ xấu lại tìm mọi cách để tuồng thông tin độc hại.Trả lời phỏng vấn liên quan đến dự án luật Tiếp cận thông tin trên báo Tuổi Trẻ vừa qua, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Cần tiếp tục mở rộng không gian, mở rộng môi trường thông tin lành mạnh, đây chính là cách thanh lọc thông tin tốt nhất. Chắc chắn rằng, khi người dân nói công khai trên các diễn đàn đáng tin cậy sẽ tạo hiệu ứng tích cực hơn ở những nơi không đáng tin cậy.
Một trong những cách tốt nhất để loại bỏ thông tin độc hại là tạo nhiều hơn môi trường để người dân có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách minh bạch và có địa chỉ. Từ cách tiếp cận này thì cũng thấy rằng, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời”.Đúng vậy, việc cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời của cơ quan chức năng để người dân được tiếp cận thông tin “sạch” là rất cần thiết.
Đây cũng là giải pháp hữu hiệu chống lại những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thất thiệt, tạo tâm lý bất an, gây rối trong xã hội. Vì vậy, thời gian tới, khi Luật Báo chí sửa đổi, An toàn thông tin, Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua là một bước tiến quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc sống.
TỪ NGUYÊN