Tiếng Việt | English

01/07/2021 - 11:18

Thông tin trên mạng xã hội và trách nhiệm công dân trong công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19

Mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng, chính xác những thông tin khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng cho bản thân, gia đình và cộng đồng nhất là cùng chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng, chính xác những thông tin khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng cho bản thân, gia đình và cộng đồng nhất là cùng chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Các trang mạng xã hội hiện nay. Ảnh minh họa: Internet

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội, sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Twiter,... trên tổng số hơn 96 triệu dân, tức chiếm khoảng 2/3 dân số. Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực (gọi là thông tin xấu, độc),... được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người đọc, tác động lớn đến nhận thức; làm cho người tiếp nhận có cách hiểu và nhìn nhận theo ý thức cá nhân. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động, mà có khi họ không hề hay biết có lợi hay gây nguy hại cho đất nước, cộng đồng, gia đình và cả bản thân họ, có thể gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội. 

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua một số người do thiếu hiểu biết đã comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ) nhiều thông tin xấu, độc mà chính mình không biết đã tiếp tay với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hoặc đã tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cũng có một số người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp; thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, vì lợi ích nhỏ nhen, đã sẵn sàng bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của bản thân, bán rẻ cả quá khứ vinh quang, tốt đẹp,... để mưu lợi rẻ tiền và nuôi trong mình những ảo tưởng.

Các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Facebook

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi mọi người dân trong cả nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài nói chung, tỉnh Long An nói riêng đang rất lo lắng, theo dõi thông tin để cùng góp công, góp của cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; khi các cấp, các ngành cùng đội ngũ y, bác sĩ các lực lượng trên tuyến đầu đang gồng mình chống dịch thì nghịch cảnh là, nhiều người đã tán phát lên mạng xã hội hàng loạt những thông tin bịa đặt; “…rằng nơi này, nơi kia có người bị nhiễm hoặc bị chết vì Covid-19, vắc-xin tiêm ngừa Covid-19 sau tiêm bị sốt và chết người, nhà này, khu vực kia bị phong tỏa, cửa hàng, siêu thị hết hàng, chợ đóng cửa…” gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Và thực tế đã có rất nhiều người đã bị xử phạt hành chính bởi hành vi tung tin đồn về dịch bệnh Covid-19, nhưng có lẽ chưa đủ sức răn đe nên việc tung tin đồn về dịch bệnh nguy hiểm này vẫn đầy rẫy trên mạng xã hội.

Để đóng góp tích cực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bài trừ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi công dân chúng ta khi tham gia vào mạng xã hội, cần thể hiện trách nhiệm, luôn tỉnh táo, sáng suốt, tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết để không bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực,... để làm được điều đó: 

Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần có ý thức, rằng mình phải là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác; và nhất là biết tôn trọng danh dự bản thân thì mới có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, cẩn thận cân nhắc xem nên bình luận, thích, chia sẻ, dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. 

Chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc,… Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống. Để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ,...

Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội. Với những kẻ cố tình sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, làm tổn hại an ninh quốc gia, dân tộc, tổn hại đến người khác cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội, mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi clip mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp; tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng; mặt khác, góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống,… cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.

Trần Rem

Chia sẻ bài viết