Nguồn cung thực phẩm ở Hà Nội ổn định sau bão. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đây là một trong những nội dung của Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.
Công điện nêu rõ: Những ngày qua, cơn bão số 3 với cường độ đặc biệt lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc, gây thiệt hại rất lớn cả về tính mạng, tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Chính quyền các địa phương, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã rất nỗ lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các loại vật tư, sinh phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi… của học sinh, người dân, doanh nghiệp sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhất là các hộ gia đình tại các khu vực đang bị cô lập, khó tiếp cận.
Thủ tướng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng cũng yêu cầu bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục ngay nhà ở của dân, trường học, bệnh viện, các loại đồ dùng học tập bị hư hỏng do bão gây ra; khẩn trương giải tỏa cây xanh gãy, đổ trên các tuyến đường; khắc phục kịp thời các sự cố về điện, nước sạch, viễn thông…, để đảm bảo hoạt động sản xuất-kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát diễn biến thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhu cầu học tập, chữa bệnh, đời sống của nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt; chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, giáo dục tăng cường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến các vùng hiện đang bị chia cắt, cô lập, khó khăn, thiếu thốn...; thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, gây tác hại đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bằng mọi biện pháp tiêu úng, chống ngập nhanh nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; kịp thời cứu diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh… còn đang bị ngập úng; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cụ thể bảo vệ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thực tế.
Khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ngoài ra, chủ trì rà soát, tổng hợp nhu cầu, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xuất cấp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, các loại vật tư, sinh phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất ngay sau bão, lũ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục dự trữ Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát tình hình thực tế, nhu cầu của các địa phương bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 để kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, xuất cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất khử trùng, khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện thị trường hàng hóa trong nước, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải… chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.
Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo bám sát tình hình thực tế, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với các địa phương góp phần bình ổn giá và cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho các cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh… thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng: Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, tích cực, chủ động việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc bảo đảm kịp thời, hiệu quả trong quá trình thực hiện Công điện.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Công điện./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-yeu-cau-khong-de-xay-ra-viec-gam-hang-tang-gia-bat-hop-ly-sau-bao-post976707.vnp