Thời gian qua, việc phát huy dân chủ được nâng cao, bầu không khí dân chủ trong Đảng được mở rộng hơn; trong đó, vai trò của người đứng đầu, giữ chức vụ quan trọng ở một cấp, một ngành, đơn vị sẽ quyết định những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực và có quyền quyết định, giải quyết các công việc, xử lý các tình huống phát sinh; những khó khăn sẽ được bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.
Tuy nhiên, việc phát huy dân chủ chưa đúng thực chất, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, quan điểm, suy nghĩ của riêng mình; phần lớn những quyết định dù đã được bàn bạc, thống nhất nhưng vẫn mang ý kiến chủ quan của người đứng đầu, định đoạt theo cảm tính, thiếu công tâm, từ lời nói đến hành động rất xa nhau, có khi là mệnh lệnh từ trên xuống,... dẫn đến hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng”, những vấn đề bức xúc liên tiếp nảy sinh, nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Do vậy, người đứng đầu phải thường xuyên phát huy dân chủ, luôn tăng cường mối liên hệ, lắng nghe, tham khảo ý kiến, cùng bàn bạc với tập thể; phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của tập thể; tuyệt đối không dùng mệnh lệnh hay lợi dụng danh nghĩa tập thể bắt ép mọi người làm theo.
Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả; chú trọng công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, chân thành và cầu thị để tránh gây mất đoàn kết; các quyết định, kết luận của người lãnh đạo phải là ý kiến hài hòa tổng hợp của các thành viên, tạo tiếng nói chung và sự đồng tình để tham gia phát triển địa phương nói chung và cơ quan, đơn vị nói riêng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và phát huy dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội bộ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý kỷ luật đối với người lãnh đạo vi phạm quy chế dân chủ.
Vì vậy, tăng cường phát huy dân chủ là sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, tiếp tục xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh./.
Lan Như