Tiếng Việt | English

06/07/2022 - 10:17

Trịnh Công Sơn vẫn tỏa sáng trong tâm thức người ái mộ

Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh sưu tầm trên Internet)

Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh sưu tầm trên Internet)

1. Vừa rồi, về Bình Định, tôi lang thang trên thành phố biển Quy Nhơn, ngẫu nhiên đi vào một đường phố rất đẹp mang tên Trịnh Công Sơn. Đây là nơi có một phần đời niên thiếu của người nhạc sĩ tài hoa khi còn học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Từ trên gác trọ nhìn ra biển Quy Nhơn với bờ cát trắng cùng những cành dương liễu rủ bóng chiều tà, Trịnh đã viết bản tình ca Biển nhớ: "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya...". Đây là một trong những ca khúc mở đầu sự nghiệp đồ sộ với hơn 600 ca khúc như làn gió thổi qua khắp nước và vượt khỏi biên giới một hơi hướng nhạc Trịnh. Đã có sinh viên Nhật Bản như Michiko mang cả sách vở sang VN sống với Trịnh Công Sơn và nghiên cứu âm nhạc của “thần tượng” mình.

2. Ấy thế mà mới rồi, trên Facebook mà một người Nhật gốc Việt xuất hiện rất thường xuyên với những dòng chữ hàm ý chống phá đất nước đã sản sinh anh ta chỉ vì lòng thù hận cực đoan... Ngay lúc hình ảnh đêm nhạc Trịnh Công Sơn diễn ra trên đất Nhật với cô ca sĩ Nhật mặc áo dài Việt, hát Diễm xưa - lời Việt và lời Nhật, cuốn hút khán giả thì Facebook lại hiện những dòng chữ đầy miệt thị của anh ta: “Trịnh Công Sơn là một thằng hèn; trước năm 1975, hắn đã không dám cầm súng đánh giặc mà còn cầm bút viết nhạc phản chiến. Sau 1975, hắn lại quay ra làm nhạc bưng bô cho cộng sản...”. Rất tiếc là một số bình luận hùa theo anh ta nguyền rủa người nhạc sĩ được hàng triệu người trong nước và nhiều người nước ngoài vinh danh, ái mộ.

Còn nhớ, trước năm 1975, trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn có mục Tìm bạn bốn phương mà người tìm bạn đa số đều viết “yêu thích nhạc Trịnh”. Ở đâu có “tiếng hát liêu trai” Khánh Ly với nhạc Trịnh là ở đó có đông khán giả yêu mến nhạc Trịnh. Ở Sài Gòn từ năm 1965 trở đi, không ai lạ gì phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu chống Mỹ xâm lược với từng đêm lửa trại với tiếng hát Dậy mà đi.

"Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang...". Rồi “Ta đã thấy gì trong đêm nay. Cờ bay trăm ngọn cờ bay…” và “Huế, Sài Gòn, Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa. Triệu chân em, triệu chân anh, hỡi ba miền vùng lên cách mạng. Đã đến lúc nối tấm lòng chung. Tuổi thanh niên, hãy đi bằng những bước tiền phong…” cho tới Nối vòng tay lớn... như một liên khúc hào hùng bất tận.

Ở đó, hình ảnh người nhạc sĩ gầy, đeo kính cận dày cộp, khuôn mặt xương xẩu, nhân từ, quyết liệt, ôm cây đàn ghi-ta vừa gảy vừa cất tiếng hát đấu tranh mạnh mẽ trước cả họng súng của bọn mật thám và cảnh sát dã chiến… - Trịnh Công Sơn đấy! Rồi Nối vòng tay lớn đã được ông “hát chay” vì không có micro và đàn đệm, vẫn gân cổ cất lên bằng cả sự thăng hoa cảm xúc tận cùng tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30-4-1975 ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Trịnh hát rồi Trịnh kêu gọi mọi người hãy ở lại với nước nhà vì ước mơ, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước nay đã thành hiện thực; hãy hòa hợp dân tộc, cùng dựng xây quê hương, đất nước thanh bình, giàu đẹp, hùng cường.

3. Trịnh Công Sơn không phải là “một thằng hèn không dám cầm súng đánh giặc mà còn làm nhạc phản chiến”... Không! Người nhạc sĩ ấy không hèn. Chỉ vì ông đã nhìn ra chân lý: Bên kia là anh em, bên này Mỹ xâm lược mới là giặc mà ông phản chiến. Trong một ca từ của ông, có: “Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống - vì đất nước cần một trái tim”. Và cũng bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Đơn giản vậy thôi! Đến đây, ta hãy đọc những lời tự sự chân thành của ông:

Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège (xướng âm), chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn Mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn Guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng Guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát… (…). Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang màu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát, bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận (…).

Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống (…).

Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.

Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành…” (Phác thảo chân dung tôi - Trịnh Công Sơn)./.

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất ngày 01/4/2001. Trong điếu văn đọc tại lễ tang của ông, Hội Âm nhạc TP.HCM đã viết: “Dù có bay vào cõi vĩnh hằng, anh vẫn để lại bóng dáng như một ngọn núi lớn. Ở đó có mây trời, có gió, có suối reo, có chim hót và ngọn núi ấy không bao giờ mất”.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn (01/4) là những người ái mộ ông ở trong nước và ở nước ngoài và những nhạc sĩ, ca sĩ thân thiết với ông lại tề tựu bên mộ ông ở Thủ Đức, TP.HCM để thắp nén nhang, hát những ca khúc mang hồn cốt nhạc Trịnh.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết