Tiếng Việt | English

20/09/2020 - 10:45

Trung thu của ngày xa lắm...

Trong một buổi trò chuyện, bạn nhắc nhớ Tết Trung thu đã cận kề. Thế rồi bạn say sưa kể chuyện Trung thu ngày còn thơ, rằng hồi xưa cứ háo hức chờ Trung thu. Lúc nghe bạn nói, lòng tôi dội về một ký ức thật khó tả. Tôi nhớ má quá thể. Nhớ mùa Trung thu nghèo của má, lăn lộn và cực khổ.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

 

Má tôi làm ruộng như đại đa số những người dân ở xóm Cồn. Hồi đó, không chỉ riêng nhà tôi mà hầu như cả xóm nhà nào cũng nghèo. Đám trẻ con nhà nghèo “biết thân biết phận”, ngày lễ, tết chẳng dám đòi hỏi quà, bánh, ba má mua cho gì thì ăn nấy. Mặc dù không được sung túc như những gia đình khá giả nhưng độ háo hức của chúng tôi mỗi dịp lễ, tết thì vẫn không hề thua kém. Nhất là mỗi dịp Trung thu về. Chao ôi, đứa nào đứa nấy háo hức ra mặt, mong chờ, đếm từng ngày một.

Trung thu về, má tôi lúc nào cũng bận rộn. Mới thấy má ngoài đồng, nhoáng cái, bóng má về bên hiên nhà cặm cụi lo cơm nước, cho heo, gà ăn. Hồi anh em chúng tôi còn nhỏ, ba đi làm ăn xa nên một tay má quán xuyến tất cả mọi việc. Má thương đàn con, sợ Trung thu không có đèn chơi, liền ra sau vườn chặt tre vào làm đèn lồng. Bàn tay gầy gò của má vót từng nan tre, tỉ mẩn ghép chúng lại với nhau rồi dán giấy kiếng đỏ bên ngoài. Và anh em tôi năm nào cũng được má làm sẵn một chiếc đèn lồng ông sao như thế. Đi thắp đèn cùng chúng bạn, tôi cứ cười tít mắt lại khoe “Đèn má tao làm đấy! đẹp hông?”.

Có năm, má cùng mấy cô, dì trong xóm kiếm được mối làm bánh tận ngoài thị xã xa ngái. Má dậy từ tờ mờ sáng đạp xe đạp hơn 20km và tận chiều tối mịt mới về. Cứ mùa Trung thu đến là trông má gầy sọp, mắt quầng thêm. Má dặn dò mấy anh em ở nhà cố gắng bảo ban, cơm nước khi má vắng nhà, thể nào đến Trung thu cũng sẽ có bánh để ăn. Hết vụ Trung thu, má mang về mấy cái bánh nướng và bánh dẻo. Bánh dẻo nhân đậu xanh ăn ngọt ơi là ngọt, cắn một miếng đến phần nhân thì lại rất bùi, rất thơm. Còn bánh nướng, nhân gồm hạt bí, thịt ba chỉ, mộc nhĩ, tất cả hòa quyện lại, cắn một miếng cứ muốn cắn miếng thứ hai. Má không ăn, nhìn anh em tôi ăn cứ tủm tỉm cười. Má nói, ở xưởng làm bánh, má cũng được ăn rồi, đây là bánh người ta tặng. Mãi sau này khi lớn lên, tôi mới biết được rằng, số bánh má mang về không phải người ta tặng như má nói mà là trừ vào tiền công của má. Trung thu của tôi được đủ đầy, được ăn ngon, mặc đẹp, bù lại, má phải đánh đổi không biết bao nhiêu công sức vào trong đó.

Có năm trước mùa Trung thu chừng một tháng thì má đổ bệnh, không thể đi phụ giúp ở xưởng bánh như những năm trước được nữa. Tôi biết má buồn lắm. Một hôm, thằng Út nũng nịu: “Con muốn ăn bánh Trung thu”. Tôi giận tím người, định cho nó một cái bạt tai nhưng may mà kiềm chế được, chỉ mắng nó mấy câu, vậy mà nó òa khóc nức nở. Má vỗ về, hứa với Út Trung thu năm sau nhất định sẽ có bánh ăn. Lúc đó tôi thương má lắm, trách bản thân chẳng làm được gì để đỡ đần má. Từ đó, tôi cũng chẳng thích Trung thu nữa. Bởi tôi không muốn vì Trung thu, vì anh em chúng tôi mà má phải cực hơn.

Thấm thoát mấy chục năm trôi qua. Tôi thành ông bố trẻ, còn má tôi đã theo gió mây bay về trời. Mỗi độ Trung thu về, ngồi bên vợ con ăn bánh, hoa quả mà nhớ tới má. Những mùa Trung thu, má đã hy sinh để cho anh em tôi được đủ đầy, hạnh phúc. Tôi ghì nén cảm xúc để khỏi rơi lệ trước mặt vợ và các con. Ở bên kia, má có nhớ Trung thu trên trần gian không má?./.

Tăng Hoàng Phi

Chia sẻ bài viết