Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, thay thế Nghị định 144/2013.
Đáng chú ý, Nghị định 130/2021 nâng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực trẻ em so với Nghị định 144/2013. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của xã hội, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực với trẻ em đang xảy ra ngày càng nhiều.
Vụ việc bé gái 8 tuổi tại TP.HCM bị cha ruột và người tình của cha bạo hành đến tử vong đang gẫy phẫn nộ dư luận
Theo đó, Nghị định 130/2021 quy định mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi: Bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa trẻ em; cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ…
Cũng với nhóm hành vi trên, Nghị định 144/2013 (được áp dụng trong suốt tám năm qua) quy định mức phạt chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng.
Đặc biệt, một điểm rất tiến bộ so với quy định cũ, Nghị định 130/2021 bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bạo lực.
Cụ thể, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo, không cung cấp, che giấu hoặc ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp, che giấu, ngăn cản cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi từ chối, không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, không chỉ nâng mức phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em, Nghị định 130/2021 còn quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cố tình “làm ngơ”, vô trách nhiệm trước việc trẻ em bị bạo lực.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Bộ Công an, cho rằng hiện nay nhiều gia đình vẫn duy trì nếp suy nghĩ kỷ luật bằng bạo lực với trẻ em, “thương cho roi, cho vọt”, dùng vũ lực, đòn roi mỗi khi con trẻ nghịch ngợm hay có kết quả học tập không như mong muốn…
Tuy nhiên, ranh giới giữa dạy bảo và trút giận rồi dẫn tới bạo lực là khá mong manh. Khi không kìm chế được cơn giận, muốn làm mọi việc để giải toả bức xúc tâm lý, nhiều người có thể gây ra tội lỗi (tổn thương đối với trẻ); đến khi cơn giận lắng xuống thì hậu quả đã xảy ra, hối hận thì cũng muộn màng.
Chính vì vậy, những gì cổ hủ, đi ngược lại với quyền cơ bản của con người cần phải thay thế, loại bỏ. Việc lạm dụng đòn roi để giáo dục con người thay vì tình thương yêu của cha mẹ là vi phạm đạo đức và pháp luật về quyền trẻ em.
Một điều đáng buồn, tình trạng bạo lực trẻ em thời gian gần đây đang diễn ra ngày càng nhiều, không chỉ do chính những người thực hiện hành vi bạo lực mà còn được “tiếp tay” bởi sự vô cảm của những người xung quanh.
“Nhiều người vẫn mang quan niệm việc dạy con là “chuyện nhà người ta”, xen vào là “mất lịch sự”, một số thì cho rằng “rỗi hơi” mới lo chuyện “bao đồng”. Hoặc ở đô thị, hàng xóm không biết nhau, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình, hoặc có thể nghe thấy tiếng quát mắng, tiếng trẻ khóc vì bị đòn roi…nhưng thực sự không để tâm” – Trung tá Hiếu dẫn dụ, và khẳng định điều này khiến cho hành vi bạo lực trẻ em trong nhiều trường hợp không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn./.
Ép buộc trẻ đi ăn xin: Phạt 10-15 triệu đồng
Cũng theo Nghị định 130/2021, cha, mẹ, người chăm sóc nếu cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng; không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Hành vi bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin (gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân) mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng…
|
Theo PLO.VN