Tiếng Việt | English

31/08/2019 - 10:19

Tự hào những gia đình cách mạng

Tháng 8 về! Cả nước long trọng kỷ niệm 74 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9. Hòa trong khí thế đó, chúng tôi có dịp đến thăm những người lính Cụ Hồ năm xưa, những gia đình giàu truyền cách mạng, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập, tự do của quê hương.

Tiếp bước cha anh

Trên đường về Đồng Tháp Mười, ngang qua thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh, thương binh 1/4 Châu Thanh Lia. Trong ngôi nhà tường mái ngói nằm bên bờ kênh Dương Văn Dương thuộc khu phố 2, vợ chồng ông Lia đang sống những ngày tháng an nhàn, vui cùng con cháu sau những năm tháng chiến đấu, lao động vất vả.

Ông Lia kể, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người tham gia kháng chiến ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Cha và chú của ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, mẹ là người có công với cách mạng. Trong 10 anh em của ông, có đến 3 người thoát ly gia đình đi chiến đấu, những người còn lại cũng có nhiều đóng góp tại địa phương. 

Sau những năm tháng cống hiến cho quê hương, ông Châu Thanh Lia có những ngày tháng sống an nhàn bên gia đình

Năm 1963, người thanh niên Châu Thanh Lia vừa tròn 15 tuổi đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông tham gia du kích địa phương được 2 năm thì thoát ly tham gia vào lực lượng Công an vũ trang của Ban An ninh tỉnh Kiến Tường. Lúc này, nhiệm vụ của đơn vị ông là bám địa bàn vùng yếu, xây dựng cơ sở mật phục vụ công tác đánh địch, diệt ác, phá kiềm.

Khi được hỏi về những kỷ niệm trong thời gian chiến đấu, ông Lia không khỏi bồi hồi: “Tôi có người bạn rất thân tên Trần Văn Hoàng, là người cùng quê lại chơi chung với nhau từ nhỏ. Lớn lên, cả 2 tham gia chiến đấu trong cùng một đơn vị nên quý mến nhau như anh em một nhà. Trong một trận càn vào tháng 10/1971, tôi và anh đều bị trọng thương. Biết mình khó qua khỏi, anh bảo y tá quân y nhường thuốc để cứu chữa cho tôi”.

Ông Lia bảo, nhìn cảnh đồng đội bị giặc bắn giết, tra tấn, ý chí chống giặc trong ông càng thêm quật cường. Với sức trẻ, sự gan dạ, lòng căm thù giặc sâu sắc, trong 12 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Huân chương Quyết thắng hạng Nhì.

Hòa bình lập lại, ông tiếp tục công tác trong ngành Công an với chức vụ Phó Chánh Văn phòng Công an huyện Mộc Hóa, rồi làm Phó chánh Văn phòng Tổng hợp Công an tỉnh. Năm 1987, ông được chuyển về làm Phó Trưởng Công an huyện Tân Thạnh cho đến ngày nghỉ hưu. Về với địa phương, ông tiếp tục cống hiến trong vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Thạnh, trưởng khu phố, bí thư chi bộ khu phố, đại biểu HĐND,...

Bằng uy tín của mình, ông tích cực tham gia vận động xây dựng các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nổi bật là tráng đal đường cặp kênh Dương Văn Dương, xây dựng nhà văn hóa khu phố với kinh phí xã hội hóa trên 100 triệu đồng,... Ngoài ra, ông còn tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Chiến đấu hết mình

Rời nhà ông Lia, chúng tôi đến huyện Mộc Hóa, thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Cai, ngụ ấp 2, xã Tân Lập. Trải qua biết bao thăng trầm, người lính Cụ Hồ năm xưa nay đã bước vào tuổi 85. Sức khỏe và trí nhớ của ông đã suy giảm nhiều do những vết thương chiến tranh để lại. Bên tách trà thơm, bằng giọng kể không mấy liền mạch, ông nhớ lại quãng thời gian tham gia hoạt động trên chiến trường.

Ông Cai cho biết, gia đình ông có 10 anh em, tất cả đều tham gia và phục vụ cách mạng. Trong đó, có 5 người là liệt sĩ. Cha ông cũng từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tám (tên của mẹ được đặt cho một trường tiểu học của xã Tân Lập). Phát huy truyền thống gia đình, ngay từ nhỏ, ông một lòng đi theo cách mạng, làm nhiệm vụ đưa thư cho các anh, các chú bộ đội.

Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Cai thờ cúng 5 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tám

Năm 1958, ông thoát ly gia đình tiếp tục hoạt động tại tỉnh Kiến Tường với nhiệm vụ giao liên. Công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần nguy hiểm. Trên đường đưa thư, nhiều lần bị theo dõi và bị địch bắn nhưng bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, ông luôn làm tròn nhiệm vụ được giao, giúp quân ta giữ liên lạc và nắm tình hình của địch ngay trong vùng giải phóng.

Khoảng năm 1962, trong một lần đi công tác từ biên giới về Mỹ An (tỉnh Đồng Tháp), ông bị pháo bắn nhưng may mắn không bị giặc bắt. Dù bị thương nặng nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, đưa thư đến nơi, về đến chốn. “Ngày còn ở gia đình, mẹ tôi thường dạy đã đi theo cách mạng thì phải một lòng với cách mạng, một là chết, hai là sống với cách mạng” - ông Cai nhớ lại.

Sau giải phóng, ông trở về quê nhà, được giao giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tân Lập. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu, trở về cùng gia đình chăm lo phát triển kinh tế. Ông Cai kể: “Những năm ấy, kinh tế khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, có bữa phải ăn khoai độn. Nhà có đến 10 người con nên tôi phải bươn chải đủ việc mới có thể trang trải cho sinh hoạt gia đình”.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ông vẫn luôn giữ trọn khí chất người lính Cụ Hồ, sống gương mẫu để con cháu học tập, noi theo. Được biết, bà Nguyễn Thị Anh - vợ ông Cai, trước đây cũng tham gia làm giao liên nhưng vì phải chăm sóc gia đình, bà lui về hậu phương để chồng an tâm công tác. Giờ đây, dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng ông bà tự hào rằng con cháu luôn ngoan ngoãn, sống có ích cho xã hội.

Chiến tranh lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi in sâu trong tâm trí của những chiến sĩ cách mạng năm nào. Dù mỗi người một câu chuyện khác nhau nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn, hết lòng cống hiến cho quê hương của những người lính Cụ Hồ./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích