Tiếng Việt | English

14/05/2018 - 21:05

UBTV Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước 2016

Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. 

Tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ năm 2016, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo, điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi. 

Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.

Việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu-ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách Trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho bảy địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu.

Ngoài ra, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách Trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng. 

Bên cạnh đó, một số hạn chế đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 506/BC-UBTCNS14 về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn tiếp tục tái diễn như hoàn thuế giá trị gia tăng không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn... đồng thời một số nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 chưa được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung đầy đủ căn cứ nhằm đảm bảo thông tin phục vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và các năm tiếp theo. 

Kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo 

Tại phiên họp, thẩm tra sơ bộ quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2016 còn một số tồn tại: Chất lượng công tác dự báo còn hạn chế, việc tính toán các yếu tố phát sinh ảnh hưởng tới nguồn thu trong năm chưa đảm bảo dẫn đến việc lập và giao dự toán thu chưa sát thực tế.

Việc xác định và hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, làm cho việc xử lý hụt thu ngân sách Trung ương không phù hợp, tăng thêm bội chi ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý thu còn hạn chế nhất định, vẫn xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu ngân sách, nợ đọng thuế lớn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Về chi ngân sách Nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Tổng chi ngân sách Nhà nước vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán như chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi sự nghiệp y tế đạt 97,6%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 90,2%... Đặc biệt, tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn. 

Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư như phân bổ vốn chậm, bố trí kinh phí dàn trải, tình trạng phải điều chuyển vốn giữa các dự án, kéo dài thời gian giải ngân vốn vẫn diễn ra. Nợ đọng xây dựng cơ bản có xu hướng giảm dần song trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31/12/2014.

Một số bộ, ngành, địa phương tỷ lệ nợ đọng lớn so với tổng chi đầu tư phát triển; còn để phát sinh nợ đọng mới 14.614 tỷ đồng; có địa phương chưa xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ. “Chính phủ cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều hành, thực hiện dự toán chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và pháp luật về đầu tư công,” Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. 

Đối với việc phân bổ và quyết toán vốn cho bốn dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, theo kết quả kiểm toán, Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho bốn dự án của VEC là 22.010 tỷ đồng, trong đó dự toán năm 2016 là 3.866 tỷ đồng. Đây là các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại và được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, cấp phát từ ngân sách theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc chuyển vốn vay về cho vay lại thành vốn cấp phát mặc dù đã có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013 nhưng việc quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện khi Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có hiệu lực thi hành nên Chính phủ cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Việc Chính phủ cho rằng Quốc hội đã duyệt nội dung này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý các dự án khi cho ý kiến về danh mục dự án do Chính phủ trình là chưa phù hợp vì Quốc hội chỉ quyết định tổng mức, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho ý kiến về danh mục, không quyết định cụ thể từng công trình, dự án và đã có văn bản yêu cầu Chính phủ tuân thủ đúng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội và giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, phê duyệt danh mục cụ thể theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát tổng thể, đánh giá rõ nguyên nhân, tính toán chi phí, lợi ích, báo cáo rõ việc triển khai thực hiện các dự án (lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, kiểm soát chi, thanh quyết toán…), đề xuất phương án xử lý để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ qua báo cáo của Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các số liệu đã được quyết toán, thẩm định, kiểm toán, đủ điều kiện trình Quốc hội phê chuẩn. 

Về số thu ngân sách, vượt dự toán là 9,2% chủ yếu tăng thu từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương lại hụt 1.398 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy việc chấp hành kỷ luật thu chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. 

Đối với các khoản chi, cơ bản đảm bảo khoản chi theo dự toán, tuy nhiên, kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Về bội chi, quyết toán là 248.728 tỷ đồng, bội chi trên GDP là 5,52% trong khi Nghị quyết Quốc hội chỉ cho phép 4,95%. 

Sau khi xem xét các kiến nghị của kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa chấp nhận kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 4 dự án của VEC là 22.010 tỷ đồng, yêu cầu tính toán lại cơ cấu VEC, sau đó báo cáo Bộ Chính trị rồi trình ra Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 3.866 tỷ đồng. 

Về các số liệu khác như khoản tiền hoàn thuế giá trị gia tăng giao cho các cơ quan thống nhất với nhau, hoàn chỉnh lại để trình ra Quốc hội./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết