Về Long An thăm những ngôi cổ tự
Không chỉ là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, những ngôi chùa cổ còn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, du khách không nên bỏ lỡ nếu có dịp đến với Long An.
Nơi ghi dấu lịch sử
Những năm gần đây, du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch thu hút rất đông du khách. Long An có rất nhiều ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo: Tôn Thạnh, Phước Lâm, Kim Cang, Cổ Sơn,... Những ngôi chùa này không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn có giá trị lịch sử lâu đời.
Chùa Tôn Thạnh là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu sống và cho ra đời tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủTọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, cách trung tâm huyện Cần Giuộc khoảng 3km có một ngôi chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là chùa Tôn Thạnh. Chùa do Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808 với tên ban đầu là Lan Nhã. Ngôi chùa này là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu sống và cho ra đời tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủ. Dưới mái chùa Tôn Thạnh, bên ngoài, mở lớp dạy học, bốc thuốc trị bệnh cứu người nhưng bên trong, cụ âm thầm làm thơ yêu nước, cùng nghĩa quân, nhân dân chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Bà Huỳnh Thị Của, ngụ ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đến chùa làm công quả. Tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đền đáp công lao cha ông dày công khai phá, gìn giữ quê hương, cho người dân Cần Giuộc hôm nay”.
Phó Trụ trì chùa Tôn Thạnh - Hòa thượng Thích Tắc Nhàn cho biết: “Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, đặc biệt là pho tượng Ðịa Tạng được đúc bằng đồng. Trong khuôn viên chùa còn có bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tháp Hòa thượng Viên Ngộ. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay, chùa có tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, Đông lang, Tây lang mái lợp ngói, tường gạch nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng”. Là ngôi chùa gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhiều năm qua, chùa Tôn Thạnh là điểm đến thường xuyên trong những hành trình Về nguồn của thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, chùa Nổi được kiến tạo lại hoàn toàn nhưng vẫn giữ kiểu dáng truyền thống, trang nghiêm, cổ kính
Một địa điểm hành hương hấp dẫn không thể bỏ qua là chùa Cổ Sơn, còn gọi là chùa Nổi (ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) - ngôi chùa nổi tiếng với những câu chuyện huyền bí, hấp dẫn xoay quanh. Chùa được xây dựng cách đây gần 200 năm. Theo giai thoại xưa, mỗi năm, đến mùa lũ, dù nước dâng cao đến đâu thì chùa Nổi vẫn chưa bao giờ bị ngập. Chính vì vậy, từ lâu, chùa Nổi là nơi chở che cho người dân trong vùng khi lũ tràn về. Không chỉ thế, chùa Nổi còn là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977-1978.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, chùa Nổi được kiến tạo lại hoàn toàn nhưng vẫn giữ kiểu dáng truyền thống, trang nghiêm, cổ kính với cấu trúc gồm 3 phần: Chánh điện, hậu tổ, hậu đường. Vào những ngày rằm lớn, du khách thập phương về chùa hành hương rất đông, có khi lên đến 5.000-7.000 lượt người. Bà Nguyễn Thị Dinh, ngụ huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Tôi thường đi lễ Phật để cầu mong bình an cho gia đình. Nghe danh chùa Nổi từ lâu nhưng hôm nay, tôi mới có dịp chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt đẹp của ngôi chùa cổ kính này. Đến đây, tôi thấy lòng mình thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.
Nơi hội tụ tinh hoa dân tộc
Đại hồng chung được đúc bằng đồng cách nay 200 năm tại chùa Phước Lâm
Không chỉ lưu dấu giá trị lịch sử, những ngôi chùa cổ còn là nơi hội tụ tinh hoa từ bàn tay, khối óc người xưa. Một ngôi chùa có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc gỗ, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2001 là chùa Phước Lâm, được xây dựng từ thế kỷ XIX, tọa lạc tại Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước.
Nơi đây trước kia vốn là tư gia của ông Bùi Văn Minh, được xây dựng vào năm Canh Thìn (năm 1880). Sinh thời, ông rất sùng đạo Phật, ưu phiền vì phong trào kháng Pháp ngày càng bế tắc và cũng để đánh lạc hướng sự chú ý của thực dân Pháp nên “cải gia vi tự”, lập chùa Phước Lâm - vừa làm nơi thờ Phật, vừa là từ đường của dòng họ.
Bức hoành phi “Pháp luân thường chuyển” tại chùa Phước LâmChùa Phước Lâm có hệ thống tượng hết sức đa dạng với 89 tượng gỗ, đồng và ximăng từ thế kỷ XIX. Trụ trì chùa Phước Lâm - Hòa thượng Thích Huệ Thông cho biết: “Hầu hết tượng, hoành phi, câu đối,... đều do nghệ nhân ở Cần Đước làm ra: Bức hoành “Pháp luân thường chuyển”, tượng Bồ tát thượng kỵ thú, tượng Địa Tạng,... Đặc biệt, tượng “Lo đời” và ngài Di Lặc là những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật chạm lộng 2 mặt của nghệ nhân Cần Đước. Riêng tượng Bồ tát mình mặc cà sa, tay cầm phất trần, ngồi trên mình long mã bằng gỗ là tượng có phong cách lạ và độc đáo nhất tại đây”.
Một ngôi chùa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa Phật giáo, dòng Lâm Tế phái Liễu Quán ở Long An và Nam bộ là chùa Kim Cang, tọa lạc tại ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa.
Chùa Kim Cang được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011, hiện còn rất nhiều bản gỗ khắc chữ in kinh phật bằng chữ Hán
Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, có lịch sử lâu đời gắn liền quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên của cư dân đồng bằng Nam bộ nói chung, Long An nói riêng. Chùa Kim Cang là nơi mở lớp phật học đầu tiên và là trung tâm in kinh phật, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Nam. Hiện tại, chùa vẫn giữ rất nhiều bản gỗ khắc chữ in kinh phật bằng chữ Hán. Trải qua bao thăng trầm, chùa Kim Cang từng bước phát triển, giữ vững vai trò là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Dù xã hội có phát triển đến đâu thì những giá trị truyền thống vẫn mãi được bảo tồn, lưu giữ. Gác bỏ mọi âu lo, phiền muộn cùng những tất bật của cuộc sống thường nhật cũng là lúc người ta tìm đến chốn tâm linh nhiều hơn, lắng lòng mình trong tiếng kệ, lời kinh để tìm sự bình yên, thanh tịnh. Có lẽ, vì thế mà những điểm du lịch tâm linh luôn thu hút đông đảo du khách tìm đến chiêm bái, vãng cảnh và tìm hiểu lịch sử quê hương mình./.
Cát Tường - Hoàng Long
- Doanh thu của ngành phim hoạt hình Nhật Bản lần đầu vượt 21 tỷ USD (22/12)
- Đặc sắc các không gian tại sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024 (22/12)
- Chương trình 'Con đường lịch sử': Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ (22/12)
- Đi coi triển lãm phải... khỏa thân (22/12)
- Có một chiều bỏ phố về quê... (22/12)
- Tổng kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (20/12)
- Xu hướng trải nghiệm điểm đến nội địa chiếm ưu thế tìm kiếm của người Việt (20/12)
- Nhớ một thời chưa xa (20/12)