Tiếng Việt | English

26/10/2024 - 18:28

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam là cần thiết  

Chiều 26/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp tục tham gia phiên thảo luận Tổ về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025

Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp tại Hội trường

Tham gia tại buổi thảo luận về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng trong những năm qua, phát triển KT-XH của nước ta bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt thì cũng có không ít khó khăn, thử thách, đặc biệt là sau đại dịch Covid -19. Có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp gần như chậm lại, nhưng với những quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, sự đồng lòng chung sức của người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã chủ động có những chính sách, giải pháp kịp thời để khôi phục kích cầu, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và đã thực sự đáp ứng tốt hiệu quả, hiệu lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong giai đọan hiện nay.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Chính phủ trình việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với các cơ sở chính trị tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, có những quyết sách về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng; để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, góp ý về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam

Với những cơ sở thực tiễn rất rõ ràng, xác đáng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, thống nhất cao tại Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội cho phép việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank nhằm tạo điều kiện để Vietcombank đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay và khi được tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp Vietcombank phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, cấp tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt, góp phần phát triển KT-XH; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, phấn đấu nâng tầm vị thế của các ngân hàng Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, việc đầu tư vốn nhà nước vào Vietcombank mang lại hiệu quả cho nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Trước đó, chiều ngày 23/10, tại Tòa nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021./.

ND

Chia sẻ bài viết