Với trên 3.260km bờ biển, có lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, có hơn 1 triệu km2 thềm lục địa, có trên 3.000 hòn đảo, trong đó có một số đảo lớn, đặc biệt có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ biển Đông,... Với tiềm năng kinh tế biển hết sức to lớn, biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT - XH, tạo vị thế chiến lược quốc phòng - an ninh vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, nước ta đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng, toàn diện, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, định hướng xã hội chủ nghĩa, biển, đảo và kinh tế biển càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, khai thác khoáng sản, chế biến dầu khí và điện lực, phát triển du lịch và dịch vụ biển, công nghệ thông tin cáp quang,... là những lợi thế, nội lực quan trọng cho đất nước ta tiến về tương lai mà nhiều quốc gia không có được.
Từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo, và biết bao đời nay, dân tộc ta đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, nguyện hy sinh xương máu quyết đấu tranh để gìn giữ sự bình yên cho đất nước. Đảng, Nhà nước ta đã sớm xác định và có quan điểm rõ ràng về chiến lược biển, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - an ninh, ngoại giao nhằm giữ vững chủ quyền biển, đảo cho Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Biển Đông được xem là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả 4 phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên biển Đông.
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Biển Đông có vai trò là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Biển và vùng ven biển là cửa mở lớn, “mặt tiền” quan trọng của đất nước để thông ra Thái Bình Dương và mở cửa mạnh mẽ ra nước ngoài.
Biển có ý nghĩa to lớn để nước ta phát triển, mở cửa giao lưu với quốc tế và ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong tương lai. Trong quá trình phát triển đất nước, với tiềm năng biển to lớn, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, đến nay, những kết quả bước đầu cho thấy kinh tế biển chiếm giữ nhiều ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của nền kinh tế cả nước. Kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo năng lực cạnh tranh của quốc gia và ngành công nghiệp; đồng thời, biển còn là nơi cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho công nghiệp chế biến.
Trong số những lợi ích mà biển mang lại, kinh tế thủy sản chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, đan xen giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỉ USD, trong đó riêng mặt hàng tôm xuất khẩu đạt 3,78 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 12,4%,... Mỹ là thị trường dẫn đầu và có sự tăng trưởng ổn định bậc nhất về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. Kim ngạch năm 2021 đạt 8,89 tỉ USD, tăng 5,7% so với năm 2020.
Trong hệ thống các ngành công nghiệp Việt Nam, ở lĩnh vực vận tải biển có đến hơn 90% lượng hàng xuất, nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển. Vì thế, vận tải biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng chiến lược phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập của nước ta. Ngành Dầu khí ngày nay đã trở thành một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, là ngành xuất khẩu hàng đầu của đất nước gắn liền với kinh tế biển. Gần như toàn bộ trữ lượng dầu khí của nước ta nằm trong thềm lục địa.
Với ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có định hướng tài nguyên rõ rệt và phát triển của du lịch luôn gắn với môi trường. Những năm qua, do nhận thức được tiềm năng du lịch biển Việt Nam, ngành Du lịch không ngừng phát triển, đến nay thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Hàng năm, du lịch biển thu hút hơn 80% lượng khách của toàn ngành (bình quân đạt trên 3 triệu lượt khách nước ngoài và trên 15 triệu lượt khách nội địa). Khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam để du lịch biển ngày càng đông với mức tăng truởng đạt bình quân hàng năm trên 15%, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đóng góp xây dựng các đô thị ven biển.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so cùng kỳ năm trước (theo số liệu Tổng cục Thống kê). Hiện cả nước có gần 200 điểm du lịch và nghỉ dưỡng nằm ở các vùng ven biển trải dọc từ Bắc đến Nam với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng: Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà, Phong Nha - Kẻ Bàng, Lăng Cô, Non Nước, Vũng Tàu, Mũi Né,... Trong đó, vịnh Hạ Long được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Có thể nói, biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế - chính trị rất quan trọng. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh điều đó. Vì thế, có nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh các biện pháp để tìm kiếm lợi ích tại khu vực này. Tình hình đó khiến cho biển Đông trở thành biển “nóng”, diễn ra những tranh chấp, phức tạp, tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các nước, trong đó có Việt Nam.
Được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho nhiệm vụ làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, những năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, đấu tranh để bảo vệ và giữ vững được chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân; thông qua nhiều hình thức hoạt động như đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, tọa đàm, giao lưu, trao đổi thông tin về tình hình trên các vùng biển, đảo, kịp thời thông báo, định hướng tư tưởng, nhận thức chung cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm làm tốt công tác giáo dục quốc phòng; giáo dục cho thanh niên, học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp quản lý, khai thác và làm chủ biển; đồng thời, đã ký chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các tỉnh, thành phố, trong đó có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai, thực hiện đạt kết quả tốt,...
Tiến ra biển để khai thác và làm chủ biển, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra, đã và đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng