Tiếng Việt | English

10/01/2022 - 10:17

Vũ đoàn Phù Sa - Tập thể tạo nên từ những mảnh ghép

Vũ đoàn của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Long An có tên là Phù Sa. Điều đó bắt nguồn từ tình yêu dành cho vùng đất thuộc miền Tây sông nước, cũng là biểu tượng cho sự vun bồi. Vũ đoàn là tập thể khá đặc biệt bởi các thành viên đều có công việc và cuộc sống ổn định riêng, họ chỉ gặp nhau ở tình yêu nghệ thuật và bắt tay nhau duy trì Phù Sa mười mấy năm qua.

Những mảnh ghép đơn lẻ

Hiện là chủ shop thời trang trẻ em tại TP.Tân An, hàng ngày, Thúy Hằng vẫn dành thời gian tập luyện và tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật phục vụ hoạt động chính trị của tỉnh. Hằng là thành viên nhóm múa Phù Sa được 3 năm.

Yêu thích nghệ thuật từ nhỏ, nhưng trong mắt gia đình, con đường nghệ thuật không ổn định nên Hằng theo học một ngành khác cho cha mẹ yên tâm. Khi cuộc sống đã ổn định với công việc kinh doanh, Hằng lại thấy niềm đam mê của mình trỗi dậy. Chị đăng ký tham gia nhóm múa Phù Sa và trở thành thành viên của nhóm.

Với Hằng, hoạt động nghệ thuật chính là đam mê, hạnh phúc và khi đó, chị được là chính mình. Dù bận bịu với việc kinh doanh, chị vẫn sắp xếp thời gian theo sát việc tập luyện và biểu diễn của vũ đoàn. Chị chia sẻ: “Cũng may giờ đây gia đình đã ủng hộ nên khi tôi có lịch tập, cha mẹ giúp trông coi cửa hàng. Nhưng nếu không thể sắp xếp được thì tôi đóng cửa hàng một chút để đi tập, đi diễn. Xong việc, tôi lại về mở cửa hàng”.

Vũ đoàn Phù Sa tham gia chương trình nghệ thuật chào năm mới phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An

Niềm đam mê và tình yêu dành cho nghệ thuật múa chính là điểm chung của tất cả thành viên thuộc vũ đoàn Phù Sa. Và có lẽ đó chính là điểm chung duy nhất, bởi lẽ, mỗi thành viên của Phù Sa là một mảnh ghép hoàn toàn khác biệt về nghề nghiệp, quê quán, độ tuổi.

Biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong - người thành lập vũ đoàn Phù Sa, kể: “Phù Sa là tập hợp các thành viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều có đam mê và năng khiếu nghệ thuật. Làm thành viên của Phù Sa chỉ là công việc phụ để thỏa mãn đam mê, bởi ai cũng có công việc chính để ổn định cuộc sống riêng”.

Thành viên Nguyễn Dương Kim Tuyền chia sẻ, việc tham gia biểu diễn trong nhóm múa Phù Sa mang đến cho chị thời gian thư giãn sau 8 tiếng làm việc tại đơn vị. Chị Tuyền làm công tác thư viện, một công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chỉn chu và nhiều áp lực. Với chị, đồng hành cùng Phù Sa chính là cách để cân bằng lại cuộc sống của mình.

Chị Tuyền kể: “Tôi từng học ở Nhà Thiếu nhi, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh từ trước khi tham gia vũ đoàn. Với tôi, thời gian được đồng hành cùng vũ đoàn mang đến nhiều kỷ niệm và giúp cuộc sống thêm nhiều màu sắc thú vị. Tôi sắp xếp thời gian hợp lý nhất để cố gắng tham gia các chương trình cùng vũ đoàn”.

Vũ đoàn có tiếng ở miền Tây

Vũ đoàn Phù Sa được thành lập cách đây hơn 10 năm. Sau một thời gian gặp khó khăn, vũ đoàn chính thức được gầy dựng lại bởi biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong vào năm 2009 và duy trì, phát triển đến nay. Hầu hết các chương trình nghệ thuật phục vụ hoạt động chính trị trong tỉnh đều có sự đóng góp của vũ đoàn Phù Sa.

Năm 2021, các chương trình lớn như khánh thành Nhà tưởng niệm các chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván (huyện Châu Thành), khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm (huyện Đức Hòa), khánh thành Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường),... vũ đoàn Phù Sa đều góp mặt cho chương trình.

Tất cả bài múa đều được dàn dựng hoành tráng, nội dung kể lại câu chuyện liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử,... từ đó mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong kể, một chương trình như vậy cần quy tụ số lượng diễn viên đông, tập luyện suốt nhiều ngày để có thể mang đến một màn trình diễn tốt nhất.

Chương trình nghệ thuật phục vụ khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm được dàn dựng hoành tráng, nội dung bài múa kể lại câu chuyện liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử,... mang đến cho người xem nhiều cảm xúc

Vì Phù Sa là tập hợp các thành viên có công việc khác nhau nên thời gian tập luyện phải sắp xếp thật phù hợp: Ban đêm, ngày nghỉ,... để có thể tập hợp đầy đủ thành viên. Là người sáng lập, dẫn dắt các thành viên, đào tạo người mới, biên đạo múa Nguyễn Thanh Phong hiểu rõ sở trường, năng lực từng cá nhân trong nhóm. Khi dàn dựng một chương trình mới, anh luôn chú ý phân công vị trí phù hợp từng người để mỗi cá nhân đều phát huy được thế mạnh và giúp tổng thể chương trình hoàn thành một cách tốt nhất.

Duy trì hoạt động được khoảng 12 năm, vũ đoàn Phù Sa của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã gầy dựng được tên tuổi trong làng nghệ thuật khu vực Tây Nam bộ. Thậm chí, vũ đoàn cũng được biết đến tại TP.HCM. Phù Sa từng tham gia nhiều hội thi, các chương trình nghệ thuật cấp khu vực và giành được thứ hạng cao. Nhóm cũng từng hỗ trợ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tham gia các hội thi, hội diễn cấp quốc gia.

Vũ đoàn Phù Sa luôn đồng hành cùng các hoạt động nghệ thuật phục vụ tỉnh nhà. Mỗi thành viên là một mảnh ghép với cuộc sống riêng nhưng khi khoác trang phục Phù Sa lên sân khấu, họ là một tập thể thống nhất, yêu thương, hỗ trợ nhau để làm nên tên tuổi một vũ đoàn./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết