Liêm chính là giá trị nền tảng của đạo đức công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, "luôn tôn trọng và giữ gìn của công và của dân”, "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”, “không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. Liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo chuẩn mực đối với CBĐV trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày dựa trên sự tuân thủ đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi,... khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, bao nhiêu của cũng vui lòng. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, biết kiệm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Về việc triển khai và thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng nhằm phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của đội ngũ CBĐV, nhất là người đứng đầu như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CBĐV”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 12/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương "Về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ CBĐV, công chức, viên chức “phải rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”, “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.
Đánh giá khái quát về quá trình thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong CBĐV, công chức, viên chức và toàn xã hội, xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích, xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phê phán, lên án, tích cực đấu tranh PCTN, TC; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho CBĐV rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân. Chỉ đạo tổng kết việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về PCTN, TC, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong CBĐV, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt thì việc xây dựng, phát huy văn hóa tinh thần liêm chính, tiết kiệm trong một bộ phận không nhỏ CBĐV vẫn còn nhiều bất cập,thậm chí nhiều cán bộ vì chạy theo danh vị, tiền tài, vì lợi ích vật chất, nể nang, né tránh, tham vọng cá nhân,... đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị liêm chính, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp mà cá nhân đã từng tuyên bố trước cơ quan, đơn vị; chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tập thể; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh cơ quan, tổ chức, làm phai nhạt niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Vì không giữ được liêm chính, một số cán bộ “nhúng chàm”, sa vào tham nhũng, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách để câu kết, hình thành nhóm lợi ích để trục lợi. Trong lúc tình hình đất nước đang gặp nhiều khó khăn, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, toàn dân nâng cao ý thức, tinh thần tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt thì lại có những CBĐV giữ chức vụ trong các cơ quan hành chính lợi dụng tình thế khó khăn để trục lợi, chi sai ngân sách, lãng phí của công, gây bức xúc trong dư luận.
Trong cuốn sách của Tổng Bí thư, những con số về CBĐV vi phạm kỷ luật cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực những năm qua có những diễn biến phức tạp mà một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến là sự liêm chính, tiết kiệm không được thực thi. Trong 10 năm (2012-2022), có 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.7000 CBĐV đã bị xử lý kỷ luật. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng chức vụ, kinh tế. Các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ với 1.054 bị can. Điều này đã làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Lý giải về nguyên nhân của điều này, trong cuốn sách của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng, tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực;... Tiền bạc, tài sản còn có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong CBĐV, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Để hướng tới xây dựng và thực thi tốt văn hóa liêm chính, tiết kiệm, thực hiện tốt công tác PCTN, các cấp, các ngành cần tiến hành nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách nhưng quan trọng nhất vẫn là tập trung xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, đặc biệt, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi CBĐV, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; biết bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái tiến bộ, văn minh; đồng thời, gương mẫu trong ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái ác và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Văn hóa liêm chính, tiết kiệm được thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, sự tự nguyện, tự giác của mỗi CBĐV. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những tư tưởng tích cực, lối sống tốt đẹp là những khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vị, những tư tưởng sai lầm, những âm mưu phản động, thù địch, chống phá,... Vì vậy, mỗi CBĐV phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có lý tưởng và khát vọng cống hiến; có ý chí, nghị lực giữ vững danh dự và nhân cách trong sáng; có lối sống mực thước, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, cộng đồng./.
Huyền Linh