Tiếng Việt | English

13/06/2017 - 11:43

Thiếu sự quan tâm, trẻ em dễ vi phạm pháp luật

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự có dấu hiệu tăng lên cả về mức độ và hành vi. Điều đáng lo ngại là tính chất phạm tội của trẻ em ngày càng nguy hiểm với nhiều tội danh nghiêm trọng: Giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích,... Đây là vấn đề lớn cần được xã hội quan tâm.

Gây án do nhiễm thói xấu trên mạng

Tôi còn nhớ lần đầu dự một phiên tòa mà bị cáo là trẻ vị thành niên (VTN). Bị cáo tên Nguyễn Minh L., sinh ngày 04/9/1999, ngụ thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, với tội danh “Hiếp dâm trẻ em”. Đáng nói, lúc thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo cũng là trẻ em khi chưa tròn 15 tuổi và người bị hại vừa lên 7 tuổi.

Hành vi phạm tội của L. được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố trong cáo trạng đầy 4 trang giấy. Vụ việc xảy ra vào ngày 15/9/2013, bị cáo L. đến chơi nhà bà ngoại tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, em Võ Thị Ngọc T., hàng xóm, sang nhà bà ngoại L. chơi. Lợi dụng không có ai ở nhà, bị cáo L. dụ dỗ em T. vào phòng ngủ để quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, khi đang thực hiện hành vi, L. bị dì ruột phát hiện và báo với gia đình. L. khai nhận, trước đó, đã 3 lần thực hiện hành vi giao cấu với em T.

Ngày ra tòa, trước Hội đồng xét xử, bị cáo L. thừa nhận nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của mình do những lúc rảnh rỗi, bị cáo thường ra tiệm Internet chơi game. Những lúc vắng người, bị cáo vào những trang web có chứa nội dung khiêu dâm để xem.

Từ đó, bị cáo bị ám ảnh bởi những hình ảnh đầy kích thích trên mạng và nảy sinh ý định thực hiện hành vi giao cấu với em T. Với tội danh “Hiếp dâm trẻ em”, dù còn trong độ tuổi VTN, bị cáo vẫn phải nhận mức án 5 năm tù từ Hội đồng xét xử.

Minh họa: Thiện Mỹ

Tương tự như bị cáo L. là trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn H., sinh ngày 21/10/2000, ngụ xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa. Cũng vì tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy, những hình ảnh khiêu dâm trên mạng mà H. nhanh chóng bị tiêm nhiễm, dẫn đến hành vi phạm tội.

Trong phiên xử cách đây gần 1 năm, tôi thật sự xót xa trước những lời nói của chính mẹ ruột bị cáo - bà Nguyễn Thị N. trong phiên tòa hôm ấy. Bà cho rằng, do vợ chồng không còn chung sống với nhau, thời gian qua cũng không dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc em H. cũng là nguyên nhân đẩy H. vướng vòng lao lý...

Trước đó, do sống cùng ấp nên H. hay ghé nhà em Hồ Thị T.M., sinh ngày 20/8/2008 chơi. Trong một lần không làm chủ được hành vi, H. gạ gẫm em T.M. để thực hiện hành vi giao cấu vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, khi H. đang giao cấu với em T.M. thì bạn của em T.M. thấy và kể lại với ba mẹ. H. bị bắt tạm giam ngay sau đó. Ngày 04/6/2015, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa xét xử bị cáo H. và tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Từ những vụ án trên cho thấy, hầu hết nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của trẻ VTN thường tập trung vào điều kiện môi trường sống, sự thiếu quan tâm kịp thời từ phía gia đình cũng như việc hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ người dân.

Cần nhiều giải pháp

Việc học theo lối sống đua đòi ăn chơi, tụ tập, hút, chích ma túy, bỏ nhà đi theo bạn xấu, thích thể hiện bản thân của một số trẻ VTN cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ án hình sự mà người gây ra không ai khác chính là các em, ở cái độ tuổi đáng lẽ vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận được là sự tác động hai mặt của việc bùng nổ công nghệ thông tin trên Internet. Từ Internet, rất nhiều học sinh bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của các trò chơi điện tử, bỏ bê việc học tập, thậm chí là tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy từ các trang mạng. Các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, đẫm máu,... xuất hiện ngày càng nhiều trong thế giới ảo cũng phần nào tác động đến tâm lý lứa tuổi của trẻ VTN, dễ đẩy các em đến với hành động thực, ngoài đời thực.

Theo thống kê của ngành Tòa án, riêng trong năm 2016, TAND cấp huyện trong toàn tỉnh thụ lý tổng cộng 41 vụ án hình sự với 48 bị cáo là trẻ chưa thành niên, còn TAND cấp tỉnh thụ lý 2 vụ án nghiêm trọng, bị cáo là trẻ chưa thành niên.

Qua phân tích số liệu về các vụ án có bị cáo là trẻ VTN được xét xử cho thấy, hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự thường tập trung vào những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ học hoặc thiếu sự quan tâm, quản lý từ phía gia đình. Địa phương xảy ra nhiều vụ việc thường tập trung tại các huyện phát triển công nghiệp: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.

Hậu quả từ những vụ án hình sự mà người phạm tội là trẻ VTN thì chỉ có chính gia đình những người trong vụ án mới thực sự thấm thía. Tình trạng tội phạm trẻ hóa không chỉ là về vấn đề pháp luật, mà thực sự đã và đang trở thành câu chuyện của mỗi gia đình, của xã hội và là câu chuyện chung của những người trẻ.

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, quản lý từ 3 môi trường: Nhà trường - gia đình - xã hội, nhưng rõ ràng, với tính chất, mức độ vi phạm pháp luật từ những người phạm tội là trẻ VTN thời gian qua vẫn cần những nhà quản lý đưa ra những giải pháp tốt hơn nữa nhằm hạn chế cũng như giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật đối với trẻ VTN, trong đó, cần đặc biệt lưu ý các trang mạng độc hại./.

Hầu hết nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của trẻ VTN thường tập trung vào điều kiện môi trường sống, sự thiếu quan tâm kịp thời từ phía gia đình cũng như việc hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ người dân.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết