Tiếng Việt | English

19/12/2021 - 08:50

­­­­Hiệu quả từ mô hình '3 giảm, 3 tăng'

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa là một trong những mô hình giúp nông dân tiếp cận phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả cao. Hiện mô hình này góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” giúp năng cao năng suất và thu nhập cho nông dân

Mang lại nhiều lợi ích

Từ năm 2013, UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 48.000ha tại 25 xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gạo xuất khẩu, phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tại vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, nông dân sản xuất lúa phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... bảo đảm 100% sản lượng lúa thu hoạch đạt chất lượng cao theo yêu cầu.

“3 giảm, 3 tăng” là chương trình quản lý dịch hại dựa trên mối quan hệ của dinh dưỡng cây trồng và sự gây hại của dịch hại. “3 giảm, 3 tăng” bao gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây, mô hình “3 giảm, 3 tăng” đã không còn xa lạ với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Huỳnh Văn Hẩu (ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) trước đây sản xuất theo tập quán cũ, gieo sạ mật độ dày, khoảng 200-240kg giống cho 1ha. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, ông chuyển dần qua sản xuất theo mô hình này. Hiện ông chỉ còn gieo sạ khoảng 100-120kg giống/ha, giảm gần 1/2 so với trước. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, số lần bón phân trong mỗi vụ cũng giảm. Đồng thời, ông biết thời điểm nào nên phun thuốc bảo vệ thực vật chứ không còn phun tùy ý như trước.

Ông Hẩu chia sẻ: “Lúc trước, mỗi lần ra đồng thấy sâu là tôi xịt ngay, nào là thuốc diệt sâu cuốn lá, thuốc diệt sâu đục thân,... Từ khi áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, từ lúc sạ đến khi lúa 40 ngày tuổi, tôi tuyệt đối không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, nhờ vậy mà chi phí sản xuất cũng ít hơn”.

Vụ Hè Thu năm 2021, thị xã Kiến Tường đã xây dựng 3 mô hình “3 giảm, 3 tăng” tại các xã: Bình Hiệp, Tuyên Thạnh và Thạnh Hưng nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Theo đó, khi tham gia mô hình “3 giảm, 3 tăng”, ngoài việc được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, người dân còn được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống và 50% chi phí phân hữu cơ, men vi sinh.

Anh Trần Thanh Giang - nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, gia đình tôi giảm được 50% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 3-5 lần/vụ và chỉ phun khi thật sự cần thiết, năng suất lúa cuối vụ tăng 10-15% so với những vụ trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình khoảng 3 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nông dân khác. Vụ Đông Xuân này, nông dân ở địa phương dự kiến tiếp tục canh tác theo hướng này và cùng liên kết mở rộng diện tích để dễ tiêu thụ hơn”.

Anh Huỳnh Thanh Tú (ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng) cho biết: “Vụ Hè Thu vừa qua là vụ đầu tiên tôi sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” nên cũng rất lo lắng khi giảm lượng giống gieo sạ và số lần phun thuốc theo khuyến cáo. Tuy nhiên, hiện tôi rất phấn khởi với kỹ thuật canh tác mới này, so với trước đây thì “3 giảm, 3 tăng” mang lại nhiều lợi ích như giúp lúa khỏe, cứng cây, ít đổ ngã, hạn chế được sâu, bệnh, tăng năng suất và lợi nhuận”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường - Bùi Văn Ê nhận định: “Mô hình “3 giảm, 3 tăng” tạo điều kiện cho nông dân quen dần với kỹ thuật canh tác mới. Sau mô hình này, chúng tôi tiếp tục chuyển giao những mô hình sản xuất tiên tiến hơn nhằm định hướng nông dân sản xuất lúa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường”.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường, việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 40% chi phí giống (mật độ gieo sạ từ 100 - 120kg/ha so với tập quán canh tác cũ của nông dân sử dụng trên 200kg/ha); cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh nên giảm được trên 2 triệu đồng/ha cho chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Chất lượng gạo tốt, năng suất tăng, vì vậy góp phần tăng lợi nhuận từ 2,6-3,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Mở rộng diện tích mô hình

Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đã tổ chức 15 cuộc tọa đàm về sinh vật gây hại trên cây trồng, với hơn 450 lượt nông dân tham gia. Tại các cuộc tọa đàm, cán bộ kỹ thuật của Chi cục lồng ghép các kỹ thuật canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Từ đó, thay đổi nhận thức và góp phần giúp nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm khá nhiều chi phí, tăng lợi nhuận.

Riêng trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Chi cục tiếp tục thực hiện 4 mô hình trình diễn tại thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, mỗi mô hình có diện tích 1ha. Theo đó, tại các mô hình trình diễn sẽ tiến hành sạ hàng hoặc cấy bằng máy để cho nông dân thấy được việc giảm mật độ sạ. Đồng thời, các mô hình cũng sẽ giảm lượng phân urê xuống còn 7-8kg/1.000m2 và trong 40 ngày đầu không phun thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Các hộ dân thực hiện theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” đều cho rằng quy trình này giúp họ giảm được chi phí về giống, phân đạm, thuốc trừ sâu và tăng năng suất lúa, góp phần làm ra nông sản sạch, bảo vệ môi trường. Hiệu quả đạt được từ các mô hình là khá cao, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu tích cực góp phần giúp ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng bền vững.

Ngoài ra, hiện nay, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nên nông dân càng quan tâm nhiều hơn đến “bài toán” giảm chi phí sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ trong quá trình canh tác, đặc biệt là quy trình “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, thời gian qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao làm cho chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Để phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong liên kết, tiêu thụ.

“Với mô hình “3 giảm, 3 tăng”, ngành Nông nghiệp tỉnh mong muốn đem đến cho nông dân kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả hơn; đồng thời, giúp nông dân thay đổi dần tập quán canh tác cũ, cùng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, dễ tiêu thụ, tăng lợi nhuận.

Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các giải pháp canh tác trên lúa cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra, Chi cục cũng tiếp tục theo dõi, thử nghiệm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, công nghệ sinh học, sản phẩm hữu cơ,... trong sản xuất và phòng trừ dịch bệnh để có cơ sở xây dựng mô hình, thông tin, khuyến cáo cho người dân” - ông Cường cho biết thêm./.

Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 40% chi phí giống; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh nên giảm được trên 2 triệu đồng/ha cho chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Chất lượng gạo tốt, năng suất tăng, vì vậy góp phần tăng lợi nhuận từ 2,6 - 3,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình”.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường đánh giá

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết