Tiếng Việt | English

27/09/2015 - 11:34

“Sư phụ” của chim trời

Từ những “mật mã” riêng biệt, ông đã gọi chim trời lũ lượt kéo về làm tổ trong những thế giới yên bình trải rộng khắp miền Tây.

 Vừa thấy ông Cương, lũ chim giang sen vui mừng như gặp “tri kỷ” - Ảnh: Chí Quốc

Người ta nói ông là “tri kỷ” của chim trời với phần lớn đời người gắn bó với loài chim. Tận tay ông đã tạo ra hàng loạt vườn chim nổi tiếng ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Người ta gọi ông là “sư phụ” của các loài chim, yêu chim trời như thành viên trong gia đình và ngược lại, những cánh chim hoang cũng gửi trọn “niềm tin” cho ông. Làm được như điều ông (Lê Danh Cương, 56 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã làm, có lẽ chẳng được mấy người.

"Làm cho chim tin là điều khó nhất" - Ông 
HAI CƯƠNG 

Thế giới chim hoang

Một ngày giữa tháng 9, tranh thủ những ngày cuối tuần được nghỉ, Hai Cương đến khu du lịch Vinh Sang (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) để giúp khu du lịch “tập huấn” lũ bồ câu đi theo cô dâu chú rể trong các đám cưới sao cho ngay hàng thẳng lối.

Hơn sáu năm trước, Hai Cương được mời về đây để “kéo” lũ chim về sống trong khu đất khoảng 1.000m2.

Mà lạ, nơi du khách nườm nượp nhưng đám chim mà Hai Cương kéo về vẫn cứ ung dung trong thế giới riêng của chúng. Chúng cứ đi đi về về và tự tin như được “bảo kê” bởi một thế lực nào ghê gớm lắm. Nói đến đây, Hai Cương cười xòa: “Làm cho chim tin là điều khó nhất”.

Vừa bước chân đến khu du lịch, ông đã được anh Phạm Minh Út - cán bộ phụ trách động vật hoang dã ở đây - đón tiếp và với cách gọi “sư phụ” như mọi khi, anh Út khoe với chúng tôi: “Sư phụ đã dụ chim thì chim không về mới lạ”.

Anh Út nhớ lại những năm 2008 anh và ông chủ khu du lịch xuống lâm viên Cà Mau nơi ông Hai Cương công tác để chia một số loài chim về thuần dưỡng trong lồng tại khu du lịch phục vụ du khách.

Những lần “áp tải” chim về khu du lịch, ông Cương thấy việc nuôi chim lồng là không thích hợp trong khi nơi đây hoàn toàn có thể gầy dựng được một vườn chim bán tự nhiên và chỉ hẳn cho chủ khu du lịch nơi có thể làm vườn chim được là các ao có sẵn nằm ven sông Tiền.

Thấy có lý, chủ khu du lịch gật đầu nhưng Hai Cương vẫn thấy khó bởi những bất lợi của nơi này như diện tích nhỏ (chỉ khoảng 1.000m2) lại nằm trong khu vực ít chim trời sinh sống.

Nhưng điều Hai Cương lo ngại nhất là khách du lịch đến nườm nượp thì chim sẽ nhát, khó về đây như những nơi khác. Nghĩ vậy nhưng bắt gặp người tâm đắc với chim trời, coi trọng chim trời, tạo dựng thế giới yên bình cho chim thì ít khi ông từ chối.

Thế là với ao sẵn có, ông đã kết một số bè nổi rồi trồng cây kiểng trên đó để tạo môi trường tự nhiên cho các loài chim. Với đàn chim mồi ban đầu, làm sao để chúng rủ rê được các loài chim trời về đây thì phải mất tới khoảng ba năm.

Khi chim cò kéo về đông, ông bỏ hẳn những chiếc bè nhân tạo mà đưa đất vào làm những hòn đảo giữa ao để trồng cây cho chim về trú ngụ. Và sau ba năm, lượng chim hiện có đến hàng ngàn con đủ loại gồm còng cọc, cò, giang sen, diệc... đó là một kỳ tích.

Khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng vì giữa khu du lịch mà chim trời cứ bay lượn, chúng kêu hót, trò chuyện với nhau như trong rừng.

Ngón nghề chinh phục chim

Năm 1977 khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, người thiếu niên 17 tuổi Lê Danh Cương đã tình nguyện đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Vốn thích võ vật ngay từ nhỏ nên khi tham gia bộ đội, Cương không hề có sở thích đối với động vật hoang dã.

Thế nhưng khi chiến tranh kết thúc, khoảng năm 1982 Hai Cương chuyển ngành về công tác tại Nông trường dược liệu Minh Hải (tỉnh Minh Hải, nay thuộc tỉnh Cà Mau), anh lại làm quen, tìm tòi và nghiên cứu nghề ấp cá sấu, ấp trăn và chăm sóc các loài khác như khỉ, chim ở đây...

Cũng may lúc đó lãnh đạo nông trường bật ra ý tưởng làm vườn chim để Hai Cương cùng một số đồng sự được chọn bắt tay vào thực hiện.

Để dụ được chim trời về đương nhiên phải có chim mồi nhưng lúc đầu đưa ra bao nhiêu chim mồi đều bị chết bởi chưa có kinh nghiệm, do Hai Cương và đồng sự chọn chim non vốn quen với việc chim mẹ đút ăn và thức ăn cho chim mồi lại là thức ăn đã qua ướp đá.

Có làm mới có kinh nghiệm nên sau đó Hai Cương và đồng sự chọn chim trưởng thành làm chim mồi cũng như cho ăn cá sống, thậm chí bỏ công tạo những chiếc khay lớn rồi bỏ cá vào đó cho chim tự ăn như kiểu chúng săn mồi ngoài môi trường tự nhiên.

Rồi chim mồi lớn lên, đẻ con, bay đi tìm thức ăn và đây là nhân tố dụ các loài chim khác về nơi ở hằng ngày của chúng.

Đương nhiên không chỉ có thế là có thể dụ được chim trời về vườn ngày một đông mà phải thông qua cách “xử lý kỹ thuật” bằng việc cắt một chút ở chót cánh chim mồi để chim không bay xa được.

Đây chỉ là động tác kỹ thuật với chim mồi “đời đầu”, chừng hai ba năm khi thế hệ chim sinh sau đã quen với môi trường thì không bị xử lý chót cánh nữa, mà được tự do bay đi ở môi trường tự nhiên để rủ rê chim hoang về nhập bọn.

Nhưng dù có được chim mồi rủ rê thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng hơn cả là nơi sống của chim mồi phải tạo được nguồn nước tự nhiên, thức ăn dồi dào và trồng các loại cây thích hợp thì mới hấp dẫn chim hoang.

Khi đi một vòng quanh vườn chim Bạc Liêu, chúng tôi hỏi Hai Cương có ma lực gì để có thể dụ được chim trời giỏi như vậy, anh chỉ cười khì: “Không có ma lực nào cả mà chỉ là sự cần cù thôi. Mình phải theo dõi chim hằng ngày, để ý và biết điều chỉnh theo ý chim, tập cho chúng quen với giờ giấc ăn, quen với tiếng mình kêu. Mình đối xử tốt với nó thì nó không bao giờ bỏ đi đâu”.

Hôm xong việc ở Vĩnh Long, chúng tôi lại theo Hai Cương chạy về Hậu Giang, nơi ông được một chủ khu du lịch khác thuê để gây dựng một vườn chim tự nhiên.

Có thể nói ông khá đắt “sô” và điều đó làm ông vui. Ông vui không phải được nhiều tiền trả công, mà vì càng nhiều nơi làm vườn chim thì lũ chim trời của ông sẽ có thêm nhiều nơi để dung thân, không sợ bẫy, lưới, thuốc... rình rập.

Và cũng nhờ có ông mà nhiều vườn chim, một nét đặc trưng của thiên nhiên miền Tây, đang được khôi phục.

Nghề giúp chim không bỏ vườn

Năm 2011 khi đang là cán bộ lâm viên Cà Mau, Hai Cương được ông Nguyễn Trung Chánh - giám đốc vườn chim Bạc Liêu - mời về làm việc tại vườn chim này để giúp giữ chim ở lại. Hiện vườn chim Bạc Liêu có 109 loài chim trú ngụ.

Công việc của Hai Cương là làm sao để chim hiện có không bỏ vườn, đồng thời kiêm luôn vai trò “bác sĩ” chữa bệnh cho các loài chim.

Chí Quốc/Theo Tuổi trẻ online

Chia sẻ bài viết