Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn

Anh Trần Văn Ơn sinh ngày 29-5-1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình công chức có truyền thống cách mạng, cha là Trần Văn Nghĩa, một nhân sĩ yêu nước và mẹ là bà Huỳnh Thị Tửu.

Thuở nhỏ, anh học tiểu học tại thị xã Mỹ Tho, sau theo gia đình chuyển về khu Hòa Hưng, Sài Gòn. Anh chị em của anh đều tham gia cách mạng, có người chị là Trần Thị Lễ, công an xung phong, liệt sĩ hy sinh năm 1948. Tháng 8-1945, anh thi đậu vào lớp Năm bậc Cao đẳng Tiểu học tại Trường Pétrus Ký.

Năm 1949 anh học xong năm thứ 3 bậc Cao-Tiểu, thi vượt lớp đỗ bằng đệ nhất cấp Pháp. Đến năm 1949-1950, khi lên lớp năm thứ tư Cao-Tiểu thì anh được đặc cách lên học lớp Ban Tú Tài (lớp 10 ngày nay) vì đã có bằng Trung học đệ nhất cấp. Anh là một học sinh chăm ngoan, hiếu nghĩa và hoạt động xã hội.

Từ năm 1947, anh tham gia phong trào học sinh - sinh viên (HS-SV) yêu nước của trường, tham gia Hội HS-SV Nam bộ, tham gia Đoàn HS kháng chiến nội thành, nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động HS tham gia các hoạt động chống Pháp và là trụ cột của phong trào HS yêu nước Trường Pétrus Ký.

Trước ngày kỷ niệm 9 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11), chính quyền Pháp đã bắt cóc một số HS của Trường Pétrus Ký. Từ đó, diễn ra cuộc bãi khóa của HS 10 trường ở Sài Gòn ngày 23-11-1949, lúc đó anh chuẩn bị thi Tú Tài nhưng vẫn tích cực tham gia bãi khóa và đứng đầu nhóm HS Trường Pétrus Ký đi biểu tình.

Ngày 9-1-1950, diễn ra cuộc biểu tình lớn của Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn HS Sài Gòn, Chợ Lớn với hơn 6.000 HS-SV, giáo viên các trường, yêu cầu thả ngay HS-SV bị Pháp bắt và đòi bảo đảm an ninh cho HS-SV trong học tập. Lúc 13 giờ cùng ngày, bọn Pháp và tay sai đã tráo trở, lật lọng lời hứa sẽ giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng của HS-SV. Chúng huy động một lực lượng lớn cảnh sát, công an, lính lê dương dùng dùi cui, súng máy, súng ngắn đàn áp đẫm máu đoàn biểu tình khiến nhiều HS-SV bị sát hại, trong đó có anh Trần Văn Ơn, anh mất khi chưa tròn 19 tuổi. Xác anh được các HS-SV, y, bác sĩ, công nhân Bệnh viện Chợ Rẫy bảo vệ rồi đưa về nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều, tang lễ được tổ chức ngay trong sân Trường Pétrus Ký do giáo sư Lưu Văn Lang làm Trưởng ban tang lễ. Toàn thể HS Pétrus Ký đều mang băng đen để tang anh.

Từ ngày 10 đến 12-1-1950, hàng trăm đoàn thể và người dân đủ mọi thành phần đã đến viếng và đặt trên 300 vòng hoa phúng điếu anh, trong đó có những vòng hoa của người dân Pháp.

Ngày 12-1-1950 đã có trên 300.000 người dân Sài Gòn, Chợ Lớn xuống đường ủng hộ tang lễ và hàng chục ngàn người tập trung tại sân Trường Pétrus Ký dự tang lễ anh. Các hiệu buôn người Việt, người Ấn, người Hoa, người Pháp đều đồng loạt đóng cửa để hưởng ứng đám tang. Các xe đưa rước người đi đưa tang và chở vòng hoa phúng điếu anh đều được dân miễn phí. Trong đoàn biểu tình có các nhân sĩ trí thức như giáo sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ,… và nhiều người Pháp. Quan tài của anh được đưa về nghĩa trang Chợ Lớn chôn cất.

Đám tang của anh Trần Văn Ơn được xem là một cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định chống lại chính quyền thực dân Pháp. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn và có tác động sâu rộng trong phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Sài Gòn.

Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh và HS-SV trong ngày đầu kháng chiến, Đại hội Toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2-1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống HS-SV; Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần V (22 đến 23-11-1993 tại Thủ đô Hà Nội) cũng quyết định lấy ngày 9-1 hằng năm làm Ngày truyền thống của Hội SV Việt Nam. Anh Trần Văn Ơn còn được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2000.

TRẦN THỊ KIM PHỤNG

 

Chia sẻ bài viết