Tiếng Việt | English

19/04/2017 - 09:12

Chung tay vì sự tiến bộ của thanh niên chậm tiến

Bài 3: Giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến: Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật, thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định,... Từ thực tiễn ấy, đòi hỏi các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục có các biện pháp phù hợp để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm trong thanh niên.

Nhiều thách thức trong giáo dục thanh, thiếu niên

Năm 2016, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp đăng ký cảm hóa 251 thanh niên chậm tiến, trong đó, chỉ có 41 thanh niên tiến bộ. Điều đó cho thấy, dù rất nỗ lực nhưng việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên lầm lỗi còn gặp khó khăn, nhất là việc tiếp cận đối tượng thanh niên sau khi tái hòa nhập cộng đồng vì nhiều trường hợp phải đi làm ăn xa hoặc do tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục tạo điều kiện để thanh niên học nghề, có việc làm ổn định

Mặt khác, kinh phí hỗ trợ thanh thiếu niên sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số đối tượng sau thời gian chấp hành án lại tiếp tục quay về con đường phạm pháp do bị xã hội phân biệt, kỳ thị. Các doanh nghiệp cũng còn e dè trong hỗ trợ và tiếp nhận những thanh niên có tiền án, tiền sự. Đây chính là “vòng lẩn quẩn” chưa có giải pháp dứt điểm. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ Đoàn còn ngại tiếp cận, thiếu kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động.

Trước đây, chương trình “Thắp sáng niềm tin” của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam TP.Tân An phối hợp Thành đoàn, Công an TP.Tân An tổ chức cho trên 100 đối tượng là thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn không chỉ góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, khích lệ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng mà còn huy động các nguồn lực, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng phối hợp chăm lo, giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Tuy nhiên, do kinh phí nên chương trình chưa được tổ chức thường xuyên. Ở các địa phương, hoạt động cảm hóa thanh niên chậm tiến cũng còn nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa - Huỳnh Nông Nghiệp chia sẻ: “Đa phần những đối tượng này thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hoặc gia đình có điều kiện nên không có ý chí vươn lên, thường xuyên giao du với bạn xấu nên dễ bị lôi kéo. Nhiều thanh niên sau thời gian đầu được tiếp cận, cảm hóa có sự chuyển biến nhưng do không có việc làm ổn định lại chán nản và tiếp tục sa vào thói hư, tật xấu. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên cùng các cơ quan chức năng thì nhà trường và gia đình cần có sự quản lý, giáo dục đúng cách, định hướng để các em có việc làm, tự lo cho bản thân”.

Tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, trung bình mỗi năm, Đoàn Thanh niên xã nhận quản lý, giáo dục 18 thanh thiếu niên vi phạm với các lỗi: Gây rối trật tự công cộng, cờ bạc, nghiện ma túy,... Chính vì không có việc làm ổn định nên các em rất dễ bị lôi kéo vào con đường xấu. Điển hình như em N.D.T, ngụ ấp 2, thường xuyên đánh nhau, gây mất an ninh, trật tự. N.D.T bỏ học giữa chừng do cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ, sống thiếu tình thương và sự quản lý của gia đình. Do T. không có việc làm ổn định, chỉ làm thời vụ hoặc phải đi làm ăn xa nên Đoàn xã khó tiếp cận, quản lý cũng như hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.

Cần nhiều giải pháp thiết thực

Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh - Bùi Quốc Bảo thông tin: “Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đang thống kê số lượng TN tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định nhằm rà soát lại những người tiến bộ để xác định phương hướng, cách tiếp cận thanh niên chậm tiến hiệu quả hơn. Công tác giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến luôn được các cấp Đoàn, Hội xem là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh duy trì tốt các mô hình, câu lạc bộ có hiệu quả, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp mới, chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội,... nhằm mở rộng việc hỗ trợ và cảm hóa thanh niên chậm tiến.

Các cơ sở Đoàn cần chú trọng tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, giáo dục truyền thống để thu hút thanh niên tham gia, tránh xa bạn bè xấu và tệ nạn xã hội

Đặc biệt, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp các trại giam giáo dục phạm nhân, nhân rộng mô hình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; tiếp tục phối hợp Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình “Ngày hội thanh niên đoàn kết”, “Hành trình của những ước mơ”, “Đồng hành hướng thiện”,... Các hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, chia sẻ khó khăn với thanh niên, giúp họ vượt qua mặc cảm. Bên cạnh đó, các cấp hội tổ chức những lớp hướng nghiệp, dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ tìm việc làm,... Mong rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện để thanh niên vay vốn, hỗ trợ kinh phí dạy nghề và giới thiệu việc làm để họ có cuộc sống ổn định”. Không chỉ Tỉnh đoàn mà các cấp Đoàn, Hội cơ sở chính là cánh tay nối dài để việc cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa - Nguyễn Lĩnh chia sẻ: “Huyện đoàn sẽ tăng cường tiếp cận thanh niên chậm tiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, theo dõi sâu sát, nếu không có sự tiến bộ thì sẽ kịp thời báo cáo địa phương có hướng xử lý. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, tư vấn nghề nghiệp giúp các thanh niên này tái hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị khiến họ mặc cảm để không còn quay về con đường xấu. Trong nhà trường, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức các diễn đàn lắng nghe thanh niên nói và giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên”.

Tương tự, Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ - Ngô Trường Đô nhận định: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình có thanh niên chậm tiến để vận động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc đoàn kết, tập hợp thanh niên cũng cần được chú trọng, nội dung tuyên truyền phong phú, sinh động hơn để thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, tránh xa bạn bè xấu”.

>> Xem thêm

Bài 2: Rèn luyện đạo đức, lối sống thanh, thiếu niên - Nhiệm vụ của toàn xã hội

Bài 2: Rèn luyện đạo đức, lối sống thanh, thiếu niên - Nhiệm vụ của toàn xã hội 

Cập Nhật 18-04-2017

Việc rèn luyện đạo đức cho thanh, thiếu niên cần phải được thực hiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, sự nỗ lực của chính gia đình các em, sự góp sức từ nhà trường, chung tay của xã hội...

Để việc giáo dục thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, ngoài nhiệm vụ của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam và Đoàn thanh niên các cấp thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Ngoài ra, cần nhân rộng hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tổ chức các phong trào văn hóa - văn nghệ thu hút thanh niên tham gia, góp phần ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên cũng như góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích