Tiếng Việt | English

16/10/2018 - 14:43

Huy động nguồn lực xây dựng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp

Bài cuối: Cùng với Nhà nước thực hiện

Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, giáp trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP.HCM nên việc đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, kết nối vùng phục vụ phát triển công nghiệp được xác định ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn hạn chế thì yêu cầu, giải pháp đặt ra là cần huy động từ các nguồn lực để thực hiện.

Doanh nghiệp cùng chung tay

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, để thực hiện 14 công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (chương trình) thì ngoài nguồn vốn ngân sách, còn có những doanh nghiệp (DN) đồng hành hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Điều đó cho thấy, DN nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của kết cấu hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của chính DN. Sự chung tay này còn thể hiện, DN có trách nhiệm và cùng chia sẻ với tỉnh để thực hiện các công trình.

Như công trình đường Tân Tập - Long Hậu, đoạn từ đường ấp 3 Long Hậu đến sông Rạch Dừa (nằm trong công trình dự án lớn đường Tân Tập - Long Hậu + ấp 3, Long Hậu và cầu bắc qua sông Cần Giuộc, nhánh nối vào cầu Rạch Dơi) đã thi công hoàn thành, ngoài nguồn vốn ngân sách thì theo chủ trương, DN trên tuyến đóng góp vốn hơn 98 tỉ đồng để thực hiện.

Công trình đường cặp Kênh Tây dài gần 8,5km, nền đường rộng 22m, còn ứng thêm vốn của một số DN để cùng thực hiện. Công trình này có 2 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 (đường cặp Kênh Tây) dài gần 4,5km, ngân sách tỉnh đầu tư bên trái tuyến, còn Công ty (Cty) TNHH Hải Sơn đầu tư bên phải tuyến.

Những công trình còn lại, tỉnh đang nỗ lực tập trung thi công

Những công trình còn lại, tỉnh đang nỗ lực tập trung thi công

Hiện nay, dự án thành phần 1, đoạn từ Km0+500 đến Km1+950 hoàn thành từ năm 2016; đoạn 500m đầu đang được Cty Cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 674 thi công cống thoát nước, đắp đất nền đường, đạt gần 40% khối lượng. Còn đoạn từ Km1+950 đến Km4+450 cũng do Cty thi công đã thực hiện xong cống ngang, đắp đất nền đường, đạt khối lượng gần 60%.

Trong khi đó, đối với dự án thành phần 2 (đường cặp kênh Tây) dài 4,3km, đang tổ chức giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công trong năm 2018. Theo chủ trương, sẽ có 2 DN là Cty Cổ phần Đại Lộc Long An và Cty Cổ phần Bất động sản Trần Anh tạm ứng vốn để thực hiện.

Ngoài ra, dự án thành phần 2 thuộc dự án Đường tỉnh (ĐT) 833B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến sông Vàm Cỏ Đông): ĐT830B (đoạn từ ĐT833B đến Hương lộ 17) thay thế dự án ĐT833B (đoạn từ ĐT830B đến sông Vàm Cỏ Đông) có quy mô đầu tư với chiều dài 815m, nền đường rộng 14m, trong đó trải nhựa 12m với tổng mức đầu tư gần 57 tỉ đồng (chưa thi công). Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, kế hoạch đấu thầu và được Sở Giao thông Vận tải lập xong hồ sơ thiết kế, hiện được UBND huyện Cần Đước thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo chủ trương của tỉnh, một số DN nằm trên trục đường này sẽ đóng góp kinh phí xây dựng phần đường qua Cty hoặc bàn giao mặt bằng sạch qua Cty.

Hay như một dự án có quy mô lớn như đường Lương Hòa - Bình Chánh (chưa thi công) dự kiến tổng mức đầu tư 483 tỉ đồng. Để thực hiện dự án này, UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư bằng 100% nguồn vốn của DN, không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/1.000 khu vực phía Bắc huyện Bến Lức để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

Theo dự kiến, tháng 8 đến tháng 12/2018 sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai.

Tập trung thực hiện

Ngoài huy động các nguồn lực của DN, theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải), trong thực hiện một số dự án công trình cũng nhận được sự đóng góp hiến đất của người dân để giải phóng mặt bằng. Tính ra trị giá tiền, ĐT825 đoạn từ N2 đến ngã tư Hậu Nghĩa, người dân đóng góp hơn 252 triệu đồng; ĐT825 đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Hòa Khánh đóng góp hơn 4 tỉ đồng; ĐT823 (Trà Cú - Hậu Nghĩa) đóng góp hơn 2 tỉ đồng; ĐT833B đóng góp hơn 7,4 tỉ đồng và ĐT826B đóng góp gần 5 tỉ đồng.

Trong quá trình thực hiện các công trình, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn như vướng mắc giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư lớn,... nhưng luôn được tỉnh, các ngành, chính quyền địa phương tập trung bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, để thực hiện các công trình này, các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biển trong nhân dân để nhận được sự đồng thuận.

Theo đánh giá của Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) - Phạm Phương Nam, những công trình của chương trình không chỉ kết nối đồng bộ hơn với các tuyến đường, các khu, cụm công nghiệp, với địa bàn TP.HCM mà còn là điểm nhấn giao thông, đô thị, tạo động lực mới cho sự phát triển KT-XH của toàn tỉnh.

Bài 1: Động lực phát triển mới

Bài 1: Động lực phát triển mới 

Cập Nhật 15/10/2018

Từ sự đầu tư của tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh chóng, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH.

Trong đánh giá của UBND tỉnh về tình hình KT-XH tỉnh 9 tháng năm 2018, nhìn chung, công tác huy động nguồn lực của các nhà đầu tư để xây dựng các công trình giao thông được thực hiện khá tốt. Hiện còn 2 dự án công trình thuộc chương trình chưa thi công, dự kiến sẽ tiến hành trong quí IV-2018.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Mai Văn Nhiều cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Tập trung giải quyết có kết quả các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công trình”./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích