Bài 2: Xử lý dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ - kiến tạo môi trường đầu tư (tiếp theo bài trước)
Nếu như trước đây, các vấn đề nổi cộm, bức xúc, được cử tri kiến nghị, phản ánh thường được HĐND tỉnh đưa vào chương trình giám sát, giải trình hay đối thoại để kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan chỉ đạo giải quyết thì nay, HĐND tỉnh còn đưa vào chương trình Bàn tròn chính sách, tạo cơ sở khoa học, học hỏi kinh nghiệm thực tế của các địa phương trước khi ban hành nghị quyết (NQ).
HĐND tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát, đốc thúc chủ đầu tư, các ngành chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách
“Giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án (DA) vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh” - là một trong những NQ được HĐND tỉnh ban hành vào Kỳ họp lệ cuối năm thông qua việc tham vấn ý kiến chuyên gia, thực tiễn từ các địa phương trong chương trình Bàn tròn chính sách.
Nhiều dự án ngoài ngân sách chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên
Những năm qua, công tác quản lý đất đai được các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh, nhất là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao và luôn được nhân dân, cử tri quan tâm. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành NQ số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành các NQ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm, bảng giá đất 5 năm, danh mục các công trình, DA thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.
Năm 2022, HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và tình hình sử dụng đất để đầu tư các DA ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021. Quí IV-2024, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp cũng như chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh liên quan tiến độ thực hiện các DA ngoài ngân sách.
Các chính sách, NQ liên quan đến đất đai được ban hành đồng bộ đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh là điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực phía Nam cũng như cả nước. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn Long An là điểm đến đầu tư. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.546 DA đầu tư ngoài ngân sách. Trong đó, có 1.321 DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 2.225 DA đầu tư 100% vốn trong nước (DDI). Các DA được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh vươn lên vị trí thứ 12 trong số các tỉnh, thành phố cả nước và từng bước khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khu dân cư ADEC (TP.Tân An) chây ì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong suốt hơn 2 thập kỷ
Bên cạnh những hiệu quả mang lại, thực tế cho thấy hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều DA dù được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm hoặc không triển khai, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, cản trở cơ hội phát triển của tỉnh và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; cử tri phản ánh nhiều năm.
Khu dân cư (KDC) ADEC trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, sau hơn 20 năm triển khai, thực hiện vẫn chưa hoàn thiện dù chủ đầu tư đã nhiều lần được các ngành chức năng chỉ ra các vi phạm trong quá trình triển khai DA. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Phú dành dụm 350 triệu đồng để mua lại mảnh đất tại KDC này và xây nhà, sinh sống ổn định đến nay. Nhưng về mặt pháp lý, gia đình ông cùng các hộ dân khác tại KDC như người “sống chui” bởi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Phước thuộc diện tái định cư của DA. Năm 2008, ông Phước xây nhà và trồng hàng cau trước lối vào. Hai hàng cau sau nhiều năm đã cao quá tầng 1 của căn nhà, một số cây già chết nhưng lời hứa về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chẳng thấy đâu. Dù nhiều năm qua, gia đình ông cùng các hộ dân khác tại KDC liên tục kiến nghị, phản ánh nhưng chủ đầu tư cứ hứa rồi lại quên.
“Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, xử lý dứt điểm DA, bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân đã mua lô nền trong KDC” - ông Phước mong mỏi.
Còn KDC Gò Đen, huyện Bến Lức do Công ty Cổ phần Địa ốc 6 làm chủ đầu tư, đến nay, có 70% số lô nền được người dân xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, 19 hộ dân còn lại của DA vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chủ đầu tư không hợp tác để lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương nhiều lần liên hệ làm việc nhưng hiện nay chủ đầu tư DA không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh. Không chỉ riêng DA KDC ADEC hay KDC Gò Đen, nhiều DA ngoài ngân sách khác trên địa bàn tỉnh chậm triển khai, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cử tri kiến nghị, phản ánh cũng như đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại các kỳ họp.
Đi tìm giải pháp xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016-2023, trên địa bàn tỉnh có 29 DA vi phạm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích gần 118ha. Còn qua giám sát tại các địa phương của HĐND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 152 DA chậm triển khai. Một số địa phương có DA chậm triển khai nhiều như Đức Hòa 60 DA, Bến Lức 28 DA, Châu Thành 16 DA, Tân Trụ 10 DA, Thạnh Hóa 9 DA,... Đồng thời, để bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực đầu tư như chậm tiến độ triển khai DA, không thực hiện DA đúng chủ trương đầu tư được duyệt. Trong đó, từ năm 2016 đến tháng 8-2024, Sở thanh, kiểm tra 585 DA đầu tư ngoài ngân sách; phát hiện và ban hành 212 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền khoảng 14 tỉ đồng; tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt đối với 456 DA không bảo đảm các điều kiện tiếp tục triển khai DA.
Dự án Khu dân cư Gò Đen (huyện Bến Lức) đến nay vẫn còn 19 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư không hợp tác, chính quyền địa phương không thể liên hệ do chủ đầu tư không còn tại địa chỉ kinh doanh
Dù rằng trong những kỳ họp gần đây cũng như qua các chương trình chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan đến việc xử lý các DA ngoài ngân sách chậm triển khai và đề xuất UBND tỉnh, các ngành giải quyết dứt điểm, nhưng các kiến nghị của HĐND tỉnh chưa thực sự được hoàn thành trên thực tế.
Việc thực hiện công khai các DA chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, phương tiện thông tin đại chúng như kiến nghị của đoàn giám sát để người dân cùng tham gia giám sát, nhất là đối với các DA không liên hệ được với nhà đầu tư để làm căn cứ lập hồ sơ thu hồi theo quy định cũng chưa được ngành chức năng thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến một số DA ngoài ngân sách chậm triển khai đã được chỉ ra. Trong đó có cả nguyên nhân đến từ sự bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật. Song, cũng có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của các cấp chính quyền khi chưa thường xuyên đôn đốc, rà soát đối với các DA để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Còn trường hợp một số nhà đầu tư cố ý sử dụng đất sai mục đích để thu lợi bất chính hoặc cố tình chây ì triển khai DA chậm tiến độ,...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, HĐND tỉnh chủ trương ban hành NQ về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các DA vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình Bàn tròn chính sách, việc xây dựng NQ này của HĐND tỉnh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tế của HĐND TP.Hà Nội - địa phương cũng ban hành NQ tương tự. Trong đó, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các ngành liên quan tập trung rà soát phân loại, đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm DA vi phạm, làm cơ sở đưa ra các giải pháp để xử lý đồng bộ, hiệu quả các nhóm DA, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các DA, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, giải quyết các bức xúc qua nhiều năm của cử tri, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội./.
(còn tiếp)
Bài cuối: Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh
Kiên Định