Chương trình đào tạo thu hút sự quan tâm của 200 cơ quan báo chí. (Ảnh: VOV)
Trong bối cảnh mạng xã hội, truyền thông số phát triển như hiện nay, không thể chỉ căn cứ vào lượt truy cập (page view) để đánh giá sự tăng trưởng của một tờ báo, cũng như không thể đánh giá năng lực, trả nhuận bút cho phóng viên dựa trên các tin bài có lượt truy cập cao.
Đó là ý kiến của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tại Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” - chuyên đề tổng quan về kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ngày 21/9, tại Hà Nội.
Cần có tư duy 'dám từ bỏ'
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng nền báo chí đang thay đổi mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Ông nhấn mạnh rằng trong quá trình chuyển đổi số báo chí, coi trọng lượt truy cập là một sai lầm.
Ông cho rằng không thể lấy lượt xem làm tiêu chí đánh giá chất lượng bài báo và tờ báo vì các nội dung “sốc, sến, sex” chắc chắn sẽ nhiều người xem hơn những bài báo về chính trị, xã hội, đời sống.
Do đó, nhà báo Lê Quốc Minh đưa ra một tiêu chí khác để đánh giá là “time on site,” nghĩa là khoảng thời gian người đọc lưu lại ở một trang báo.
“Những tin tức giật gân có lượt xem cao nhưng độc giả cũng chỉ lướt qua rất nhanh. Do đó ‘time on site’ có thể đo lường sự lưu tâm của độc giả, chất lượng của bài báo và từ đó cũng cho thấy lượng độc giả trung thành. Báo Nhân Dân đã có những tác phẩm báo chí giữ chân độc giả đến 10 phút,” nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (giữa) tại chương trình đào tạo. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng lãnh đạo các cơ quan báo chí cần khuyến khích phóng viên tập trung vào những nội dung có chiều sâu, thay vì chạy theo tin tức giật gân hay theo xu hướng (trend) trên mạng.
“Google và Facebook sử dụng thuật toán để tìm ra những từ khóa mà người đọc quan tâm, từ đó sẽ đưa những tin tức liên quan ở vị trí nổi bật, dễ tìm. Người làm báo lại phải chạy theo xu hướng dẫn đến chất lượng báo chí giảm sút, thiếu sự sâu sắc. Tôi cho rằng thói quen của hành vi người dùng và những thuật toán đó sẽ thay đổi liên tục. Báo chí cần phải cân nhắc cẩn thận khi sử dụng những công cụ phân tích dữ liệu này,” nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Ông Káp Thành Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tri thức trực tuyến cùng chung quan điểm rằng phải thay đổi tư duy, dám từ bỏ những điều cố hữu để phát triển báo chí hiện đại.
Tập trung vào khía cạnh tăng doanh thu quảng cáo để phát triển kinh tế báo chí, ông Long cho rằng các tòa soạn cần hướng tới việc bán "quảng cáo sạch."
"Quảng cáo đương nhiên là rất cần thiết với kinh tế báo chí. Nhưng chúng ta có dám từ chối những quảng cáo của các nhãn hàng kém chất lượng không? Tôi cho rằng thà kiếm doanh thu ít từ thương hiệu tốt còn hơn là kiếm nhiều tiền từ những thương hiệu kém chất lượng vì quảng cáo ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín tờ báo và niềm tin của độc giả," ông Long bày tỏ quan điểm.
Ông cho rằng dám từ bỏ những quảng cáo "sạn" cũng là một nỗ lực để tờ báo phát triển bền vững trên hành trình dài của kinh tế báo chí.
'Cuộc chiến' giữ chân độc giả
Chia sẻ tại khóa đào tạo, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng điều quan trọng nhất với một cơ quan báo chí hiện nay là cần “giữ chân” được lượng độc giả trung thành.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus phát biểu tại chương trình đào tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Thông qua phân tích dữ liệu độc giả như lượng truy cập, khu vực truy cập…, các cơ quan báo chí có thể biết được độc giả quan tâm gì để lên kế hoạch xây dựng chiến lược nội dung và phát triển sản phẩm phù hợp, từ đó phục vụ độc giả tốt hơn,” nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nói.
Trong bài trình bày “Xây dựng nền tảng để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng dữ liệu,” nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với các cơ quan báo chí, làm rõ một số vấn đề như: Báo chí thu thập dữ liệu để làm gì, tờ báo có thể làm gì để khai thác sức mạnh của dữ liệu, vì sao dữ liệu cần là trọng tâm phát triển của tòa soạn…
Tại khóa học, chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh, nguyên Giám đốc điều hành CafeF đã chia sẻ về chủ đề “Xây dựng chiến lược đề tài chuyển đổi số thành công,” trong đó nhấn mạnh 3 khía cạnh: “Định nghĩa sứ mệnh và giá trị,” “Lập chiến lược” và “Xác định cam kết giá trị.”
Theo ông Vĩnh, vấn đề chính của một tờ báo không phải là doanh thu mà là độc giả. Người làm chiến lược cần trả lời câu hỏi phân khúc độc giả này là ai; họ xem tức tin gì, như thế nào và khi nào; họ cần thông tin gì và họ không cần thông tin gì.
"Khi trả lời được chính xác các câu hỏi về chiến lược, mô hình kinh doanh thì cơ quan báo chí mới có thể tập trung vào khai thác các nội dung và thông tin cần thiết, tránh thông tin dư thừa, không hiệu quả và làm gia tăng chi phí," ông nói.
Bên cạnh đó, ông Vĩnh cũng chia sẻ về việc xây dựng văn hóa "lấy độc giả làm trung tâm" trong mỗi cơ quan báo chí thông qua việc xác định nhu cầu của độc giả, thử nghiệm ý tưởng mới để đáp ứng nhu cầu độc giả.
"Cuộc chiến của báo chí hiện nay thực chất là cuộc chiến để thu hút độc giả. Điều đáng sợ nhất đối với người làm báo chính là lạc hậu so với độc giả", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Khóa đào tạo tổng quan ngày 21/9 xoay quanh 4 chủ đề: Phát triển độc giả, xây dựng và khai thác dữ liệu, tối ưu hóa doanh thu quảng cáo và xây dựng doanh thu từ độc giả. Tiếp sau đó sẽ là 2 khóa đào tạo chuyên sâu trong tháng 10 và tháng 11/2022 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các khóa đào tạo này nằm trong khuôn khổ Chương trình đào tạo do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Công ty Google tổ chức nhằm giúp các cơ quan báo chí Việt Nam chuyển đổi số thành công và tăng cường hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết chuyển đổi số báo chí và kinh tế báo chí là hai vấn đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí xác định là trọng tâm trong năm nay và những năm tiếp theo.
|
Minh Thu (Vietnam+)