Tiếng Việt | English

23/07/2020 - 13:39

Bị cáo bỏ trốn trước phiên tòa xét xử

Trong giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Bùi Công Bằng đều có mặt tham gia quá trình tố tụng; tuy nhiên, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương.

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An vừa mở phiên tòa xét xử vắng mặt đối với bị cáo Bùi Công Bằng, 56 tuổi, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Bằng đều có mặt tham gia quá tình tố tụng; tuy nhiên, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ngày 31/8/2017, Bằng đến gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiển và chị Nguyễn Thị Bích Truyền hỏi vay 1,5 tỉ đồng để mua 3 thửa đất tại ấp 4, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Đến ngày 13/9/2017, Bằng cùng vợ đến ký hợp đồng thỏa thuận vay tiền, thời gian vay 10 ngày. Theo thỏa thuận, sau khi Bằng cùng vợ đứng tên quyền sử dụng 3 thửa đất trên sẽ đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho vợ chồng anh Kiển giữ. Trong vòng 10 ngày, Bằng sẽ thế chấp 3 thửa đất trên cho tổ chức tín dụng để vay trả lại anh Kiển số tiền 1,65 tỉ đồng gồm gốc và tiền lãi. Ngày 15/9/2017, Bằng chuyển nhượng xong 3 thửa đất đứng tên chủ quyền và đưa 3 GCNQSDĐ cho vợ chồng anh Kiển cất giữ.

Tuy nhiên, do không vay được tiền của tổ chức tín dụng như đã hứa, Bằng gặp vợ chồng anh Kiển mượn lại 3 GCNQSDĐ để đưa cho Nguyễn Trường Phong nhờ thế chấp cho Công ty (Cty) Bayer (Phong hiện là đại lý của Cty để làm hạn mức tín dụng). Theo hợp đồng giữa Bằng và Phong ký ngày 21/10/2017 tại Văn phòng Công chứngPhạm Thị Hiên, nội dung thỏa thuận cùng ăn chia lợi nhuận, Bằng hưởng 35%, Phong hưởng 65%, trong vòng 10 ngày (từ 21/10/2017 đến 01/11/2017), Phong giao cho Bằng 2,5 tỉ đồng để Bằng trả cho vợ chồng anh Kiển 2,1 tỉ đồng và được vợ chồng anh Kiển đồng ý. Ngày 21/10/2017, Bằng cùng vợ ký hợp đồng viết tay với nội dung có vay của anh Kiển số tiền 2,1 tỉ đồng và hẹn 10 ngày sau trả tiền cho anh Kiển. Đồng thời, vợ chồng Bằng cam kết nếu không trả được tiền thì giao phần đất đang thế chấp tại ngân hàng cho vợ chồng anh Kiển để trừ một phần tiền vay.

Cũng trong ngày 21/10/2017, tại Văn phòng Công chứng Phạm Thị Hiên, Bằng cùng vợ ký hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Trường Phong để Phong toàn quyền định đoạt đối với 3 thửa đất theo 3 GCNQSDĐ trên, thời hạn là 5 năm. Sau khi nhận 3 GCNQSDĐ, Phong đưa vào Cty Bayer để xin cấp hạn mức phân phối hàng. Tuy nhiên, do Phong còn nợ nên Cty không nhận 3 GCNQSDĐ nói trên mà yêu cầu nộp 2 tỉ đồng vào Cty mới cung cấp hàng hóa. Đến ngày 24/11/2017, Bằng đồng ý cho Phong thế chấp 3 GCNQSDĐ cho Nguyễn Thanh Tùng, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, để vay 1 tỉ đồng, nhưng ký hợp đồng chuyển nhượng 3 thửa đất trên là 1,1 tỉ đồng. Phong đưa cho Bằng 100 triệu đồng và nộp vào Cty 800 triệu đồng. Do Cty Bayer trừ nợ quá hạn của Phong nên Phong không có hàng hóa như đã hứa với Bằng và Bằng vẫn còn nợ vợ chồng anh Kiển số tiền 1,5 tỉ đồng. Mặc dù vợ chồng anh Kiển nhiều lần đòi nợ nhưng Bằng vẫn không trả.

Đối với anh Nguyễn Thanh Tùng sau khi làm thủ tục chuyển quyền và đứng tên 3 GCNQSDĐ, ngày 10/4/2018, Bằng cùng anh Tùng chuyển nhượng 3 thửa đất trên cho Nguyễn Văn Phú với giá 2,2 tỉ đồng. Trong đó, anh Tùng nhận 1,6 tỉ đồng và Bằng nhận 600 triệu đồng.

Đối với phần đất Bằng thế chấp tại ngân hàng trước đó, Bằng cùng vợ thỏa thuận giao cho vợ chồng anh Kiển để trừ nợ một phần, ngày 18-5-2018, Bằng đã chuộc lại và ủy quyền cho con ruột là Bùi Đăng Khoa toàn quyền định đoạt. Đến ngày 06-6-2018, Bùi Đăng Khoa chuyển nhượng phần đất này cho Lương Thế Phú, ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An.

Đồng thời, trong tháng 4 và 5/2018, Bằng lần lượt chuyển nhượng các GCNQSDĐ tại Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Châu Thành (Long An) cho Nguyễn Văn Phú với số tiền trên 4 tỉ đồng. Mặc dù có tiền nhưng Bằng cũng không trả nợ cho vợ chồng anh Kiển.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, vào ngày 12/01/2018 và 15/01/2018, Bằng có mượn của anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ngụ ấp Dương Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, 250 triệu đồng và ngày 23/01/2018, vay của anh Kiệt 300 triệu đồng. Số tiền này, khi vay Bằng nói dối để xoay sở làm ăn nhưng thực chất là đánh bạc và thua hết.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh khẳng định, từ giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Bùi Công Bằng đều có mặt tham gia quá trình tố tụng; tuy nhiên, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi làm thủ tục xác minh, TAND tỉnh ra quyết định bắt, tạm giam bị cáo để bảo đảm cho công tác xét xử. Tại Công văn số 415/CAT-PC10, ngày 10/9/2019 của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh thông báo bị cáo đã bỏ trốn không bắt được. TAND tỉnh yêu cầu Cơ quan điều tra ra Quyết định truy nã số 426, ngày 30/9/2019 đối với bị cáo và ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Đến ngày 03/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo việc truy nã bị cáo không có kết quả nên TAND đưa vụ án ra xét xử vắng mặt đối với bị cáo Bùi Công Bằng là phù hợp điểm a, khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, trong vụ án này, bị hại là anh Nguyễn Văn Kiển và chị Nguyễn Thị Bích Truyền cùng những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được được TAND triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt nên TAND tiến hành xét xử vắng mặt đối với bị hại và người có liên quan là phù hợp Điều 292 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tại các biên bản ghi lời khai có trong hồ sơ vụ án, bị cáo Bùi Công Bằng khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng, phù hợp với lời khai của bị hại, người có liên quan, của các nhân chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra trước tòa. Do đó, hành vi của bị cáo Bùi Công Bằng có đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Hành vi trái pháp luật do bị cáo thực hiện là rất nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt số tiền tổng cộng 2,05 tỉ đồng. Xuất phát từ việc xem thường pháp luật và vì mục đích vụ lợi nên thúc đẩy và đưa bị cáo vào con đường phạm tội. Bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các bị hại được pháp luật bảo vệ. Đối với bị cáo cần được xử lý nghiêm theo pháp luật để có điều kiện giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung” - Hội đồng xét xử TAND tỉnh nhận định.

Từ đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Bùi Công Bằng mức án 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 15 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Bằng phải chịu mức án 22 năm tù cho 2 tội danh trên./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết