Dẫn chứng các số liệu thống kê về đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế (GDP) của các ngành công nghiệp cơ bản, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo (cụ thể, chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, trong tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,98% thì lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới 42%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp khoảng 34%).
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng Cục Thống kê khẳng định vai trò “đầu tàu” của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế. Ông Thúy cho rằng, việc chưa có được một bộ chỉ tiêu để đánh giá thế nào là một nước công nghiệp hiện đại, để cụ thể hóa các mục tiêu và thực hiện là “hết sức đáng tiếc”.
“Cho đến nay, tôi thừa nhận, không có bộ chỉ tiêu nào được áp dụng một cách chính thống. Luật thống kê 2015 đã công bố 186 chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu quốc gia nhưng không có chỉ tiêu đánh giá về nước công nghiệp, đây là điều đáng tiếc. Đây là một chủ trương lớn thì cần đưa chỉ tiêu vào hệ thống chỉ tiêu dữ liệu quốc gia được Quốc hội ban hành và phải được xây dựng, tính toán, công bố hàng năm để báo cáo với Nhà nước, với Chính phủ rằng, hiện nay tiến trình CNH của Việt Nam đến đâu - hàng năm - và cảnh báo để nhà nước, Chính phủ điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp, để đến một thời điểm nhất định nào đó chúng ta trở thành nước công nghiệp theo đúng chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một bộ chỉ tiêu nào hợp thức hóa để tính toán và công bố. Tôi cho rằng bộ chỉ tiêu này ra đời là vô cùng quan trọng và cần thiết”, ông Phạm Đình Thúy nói.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi thay đổi tư duy về công nghiệp hóa. (Ảnh minh họa: KT)
Đây cũng là một phần trả lời cho câu hỏi của ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển rằng, tại sao chúng ta chưa thành công ở mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo vị chuyên gia này, mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam cần phải nhìn xa hơn một “quá trình chuyển đổi nền sản xuất từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế tác, chế tạo - với sản xuất lớn, nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghiệp trong GDP cũng như tác động lan tỏa với toàn ngành, lĩnh vực khác”.
Dưới tác động của CMCN 4.0 làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, tổ chức xã hội kể cả con người trong các tương tác của tương lai, thay đổi cả cách thức bố trí sản xuất và liên kết trong sản xuất hiện nay. Ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (VIDS) cho rằng, với xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập, với những tiến bộ của CN 4.0 đó là kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, là những sản phẩm và vật liệu mới… cần phải thay đổi tư duy về công nghiệp hóa, ngay từ những khái niệm của nó.
“Chính phủ Việt Nam cần tính đến câu chuyện làm sao để hướng tới, tạo ra động lực kép, một nền tảng để chia sẻ được với những dữ liệu lớn, với trí tuệ, với toàn bộ câu chuyện khác liên quan đến tiến bộ công nghệ để có sự kết nối. Phải chăng câu chuyện CNH trong giai đoạn sắp tới là sự chuyển đổi toàn bộ xã hội hướng tới một nền kinh tế hiện đại – với nền tảng là kinh tế số, là những tiến bộ của công nghệ trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Vịnh cho hay.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, trên cơ sở đó, cần cụ thể hóa thành những chương trình hành động, những chiến lược, khung pháp lý cụ thể để làm sao các lực lượng sản xuất của quốc gia tham gia vào được quá trình ấy, nghĩa là tham gia được vào các chuỗi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế… có như vậy thì mới tiến tới thành công việc công nghiệp hóa trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ này.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra những gợi ý cơ bản của kế hoạch này: “Vấn đề thứ nhất, do cuộc CMCN 4.0 cũng như là chuyển đổi số thì khái niệm ngành, lĩnh vực khá là mờ nhạt. Lý do là số hóa, dịch vụ hóa đã nói lên việc không thể tách rời việc gắn phát triển theo nghĩa truyền thống với CN 4.0 và gắn với CN số và chuyển đổi số. Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn đó là cách nhìn về hiện đại hóa, cách nhìn về phát triển và cách nhìn lại về CNH, điều này rất quan trọng… Đằng sau đó là sức mạnh của chính sách… cái gì là thị trường, cái gì nhà nước có thể can thiệp, và điều ấy thì không đơn giản”.
Dưới góc độ thực tế chưa có sự thay đổi nhiều về chất - nghĩa là giá trị gia tăng trong hàng hóa công nghiệp xuất khẩu, trong tăng trưởng GDP và năng suất lao động của Việt Nam chưa ca. Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, bên cạnh những đột phá của cuộc CMCN 4.0 cũng cần tính đến những rủi ro có thể cho Việt Nam và “dải công nghiệp hóa” đến sớm cũng là những vấn đề cần tính tới trong việc ứng dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Nguyên Long/VOV.VN