Tiếng Việt | English

18/12/2023 - 10:49

Cần quyết tâm chống 'bệnh' thành tích

Thành tích - tự nó mang nghĩa tích cực, có vai trò là động lực thúc đẩy cá nhân hay tập thể vươn lên không ngừng để đạt được những kết quả mong muốn. Con người ai cũng thích thành tích. Mỗi khi sơ kết, tổng kết, đánh giá, được khen thưởng thì ai cũng thích, khen rồi có thưởng – suy cho cùng cũng là vì lợi ích! Có thành tích, được tôn vinh, được khen thưởng là một lẽ; khi thành tích còn ít mà muốn nói được nhiều, còn thấp mà muốn nói là cao, chưa tốt mà muốn nói là tốt,... thì đúng là “bệnh”!

Ảnh minh hoạ (nguồn: dangcongsan.vn)

Chúng ta từng được tiếp cận với phong trào “Hai không”: Nói không với những tiêu cực trong thi cử và “bệnh” thành tích trong giáo dục từ năm học 2006-2007. Có thể nói đó là sự đề xuất dũng cảm của một cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Nói cựu Bộ trưởng dũng cảm vì ông dám nhìn vào sự thật và nói lên sự thật. Còn giải quyết vấn đề cần cả một hệ thống. Vì thực tế đâu chỉ có trong giáo dục và đào tạo mới có tiêu cực, “bệnh” thành tích?

Trong xây dựng nông thôn mới, có những địa phương vì chạy theo thành tích nên đã quá lạm dụng việc huy động sức dân, hoặc nợ đọng trong xây dựng cơ bản không có khả năng chi trả. Khi đánh giá về chất lượng 19 tiêu chí thì còn những tiêu chí nợ, tạm tính vì đã khởi công hoặc giao cho địa phương tiếp tục khắc phục,... Nếu nói “bệnh” thành tích đã làm xấu đi bức tranh về nông thôn mới ở không ít nơi thì cũng không oan!

Trong việc phong tặng học hàm, học vị, danh hiệu phó giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, kể cả danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,...thỉnh thoảng lại có thông tin đạo văn, đạo luận văn, đạo nhạc, chạy chọt,... để được phong tặng.

Nhiều khi, “bệnh” thành tích đã nâng đỡ, tâng bốc, lót đường thăng quan, tiến chức cho những kẻ gian dối, cơ hội; đồng thời, làm thui chột nhiệt huyết, triệt tiêu động lực phấn đấu của những người chân chính, làm việc, cống hiến thật sự và gây chán nản, mất lòng tin cho những cán bộ, nhân viên cấp dưới. Chính vì vậy, sự nguy hại của nó đặc biệt nguy hiểm.

Kể cả những số liệu, tình hình rất quan trọng cho việc đánh giá, hoạch định sự phát triển KT-XH tầm quốc gia cũng “nhảy múa” trên nghị trường Quốc hội như thu nhập bình quân/diện tích, diện tích trồng rừng, độ che phủ rừng,...mà nhiều đại biểu đã phàn nàn, chất vấn. Sự tô hồng, số liệu ảo,... sẽ làm cho thực tế méo mó, sai lệch, từ đó đi đến nhận định, đánh giá, hoạch định không sát, không hợp lý.

Từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những trang đầu tiên để nói về tư cách của người cách mạng. Người chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của người cách mạng, trong đó có tiêu chuẩn “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”.

Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người sớm nhận diện và cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm đó là “bệnh” thành tích mà Người gọi là “bệnh” hữu danh vô thực với các biểu hiện như “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhắm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”,...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ, đảng viên mắc phải “bệnh” này có chung đặc điểm: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho là ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực;...

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là: “Mắc “bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”,...”.

Rõ ràng bệnh thành tích hiện nay còn rất nặng và rất nguy hiểm. Để phòng, chống và tiến tới loại bỏ nó cần sự kiên quyết, nghiêm khắc trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng đạo đức chính trị, liêm chính, công minh, từ Trung ương đến cơ sở và tự mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì trong từng giai đoạn với những bước đi phù hợp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi, kỳ vọng đồng bào cùng Chính phủ quyết tâm dẹp bỏ “căn bệnh” đó. Người nói: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc của Chính phủ. Còn những việc làm mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong”.

Ruộng nhiều cỏ thì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Còn trong hệ thống chính trị, nếu muốn chống “bệnh” thành tích của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu không phải dễ, cần có sự quyết tâm, quyết liệt và vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa./.

Huyền Linh 

Chia sẻ bài viết