Trong báo cáo dự thảo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, ở mặt thành tựu về nông nghiệp có ghi: “... đã xây dựng các mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) gắn với liên kết “4 nhà” bước đầu mang lại hiệu quả”. Ở nội dung nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, báo cáo viết: “Xây dựng và nhân rộng các "Cánh đồng lớn"”. Trong mặt hạn chế thì báo cáo dự thảo không đề cập đến nội dung này.
Nhìn một cách tổng thể, những năm qua, mô hình CĐL ở Long An đã có những kết quả bước đầu không thể phủ nhận. Chúng ta nên tiếp tục tìm ra những ưu điểm cũng như những tồn tại, khó khăn, bất cập về xây dựng CĐL thật cụ thể để phát huy, nhân rộng và khắc phục, rút kinh nghiệm. Hiện nay, ở tỉnh ta cũng như cả nước, mô hình CĐL đã phát triển rộng, đây là dấu mốc cho việc cải cách nông nghiệp, qua đó, góp phần chỉ ra và giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề tồn tại từ lâu như: Giúp khép kín quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hạt gạo; hạn chế được các khâu trung gian; giải quyết mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp; việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp,...
Tuy nhiên, CĐL cũng còn bộc lộ một số vấn đề bất ổn như: Mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động hiện nay; sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, xảy ra những vụ “bẻ kèo” khi thị trường có biến động đã diễn ra từ cả 2 phía doanh nghiệp lẫn nông dân. Trong trường hợp này, bên thiệt hại không thể làm gì được, bởi hiện không có quy định pháp luật cụ thể để xử lý; và trên cơ sở đó, vấn đề dễ nhìn thấy rõ nhất là cơ chế, chính sách của Nhà nước ta chưa đủ mạnh,...
Trong quá trình xây dựng mô hình CĐL có sự liên kết “4 nhà”. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến nhà thứ tư, đó là vai trò của nhà khoa học. Việc đưa khoa học-kỹ thuật vào nông nghiệp là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi nước ta hội nhập thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các mặt hàng xuất khẩu trở nên khốc liệt hơn. Thực tế, trong những năm qua, “4 nhà” đã góp phần hiệu quả không nhỏ cho việc xây dựng mô hình CĐL ở tỉnh ta và các địa phương khác trên cả nước. Những năm tiếp theo, để phát huy vai trò của “4 nhà”, tôi đề nghị nhà khoa học tiếp tục “xuống tận nơi” nhập cuộc sát với thực tế hơn nữa: Phải tâm huyết với nghề, sát với nông dân, hiểu nông dân, sát với ruộng đồng ở từng vùng, miền, khu vực để phát hiện ra được những điểm giống nhau, khác nhau (về đất đai, giống cây trồng, tạo giống mới, khí hậu, thời tiết, tâm lý, phương thức sản xuất của nông dân,...).
Từ đó, nhà khoa học mới có cơ sở thực tế để hình thành được những dự án, đề tài khoa học sát thực tiễn của từng địa phương, giúp nông dân không chỉ tư duy trên "luống cày" của mình mà còn hướng ra những thị trường rộng lớn, trên cơ sở đó, các dự án khoa học về CĐL mới thực sự đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao. Đây là nhân tố rất quan trọng góp phần cho ngành nông nghiệp nói chung và CĐL của tỉnh nói riêng trong nhiệm kỳ mới và những năm tiếp theo, tạo nên sự chuyển biến căn bản, toàn diện trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh và bền vững. Với những suy nghĩ và ý nghĩa của CĐL và sự liên kết “4 nhà” nêu trên, tôi xin đề nghị trong báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX nên bổ sung thêm và cụ thể hơn về nội dung này.
Võ Thanh Nghị