Tiếng Việt | English

06/02/2022 - 10:41

Chuyển đổi số, nhiệm vụ chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 52) đi vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy và hành động của Ðảng, nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao… Ðó chính là các giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp tạo "cú huých" thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập.


Ðảng ủy EVN đã quyết liệt chỉ đạo đổi mới công nghệ trong tập đoàn. Trong ảnh: Kỹ sư Truyền tải điện Ðông Bắc 2 kiểm tra mạng lưới tại trạm biến áp 220 kV Ðồng Hòa (Hải Phòng). Ảnh: ÐỨC ANH

Với lộ trình cho từng giai đoạn, đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52 đề ra tám nhóm chủ trương, chính sách từ đổi mới tư duy đến hoàn thiện thể chế; từ phát triển hạ tầng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển ngành, công nghệ, bố trí nguồn lực chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị quyết là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Ban Bí thư ban hành Quyết định về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng. Sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt cho thấy, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, cấp bách trên mọi phương diện.

Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Chuyển đổi số làm thay đổi thói quen, chính vì thế, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư không chỉ là cách mạng về công nghệ, thật ra còn là cách mạng về thể chế và chính sách. Việt Nam sớm nhìn nhận cơ hội và chuyển hóa thành văn bản chỉ đạo của Ðảng, chiến lược, chương trình, chính sách của Chính phủ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, xã hội số. Ðồng chí cho rằng, chuyển đổi số thành công 80% do nhận thức, thể chế, chính sách, 20% là do công nghệ.

Chuyển đổi số cần cách tư duy mới và hành động mới, nhất là người đứng đầu. Tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, yêu cầu chuyển đổi số đặt ra trước hết là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới đi đôi với ngăn ngừa tác động tiêu cực. Ðây được coi là sứ mệnh quốc gia trao cho các doanh nghiệp nhà nước. Theo Phó Bí thư Ðảng ủy Khối Hồ Xuân Trường, nhằm tạo bứt phá, Ðảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã phân công lãnh đạo chủ chốt trực tiếp phụ trách công tác chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ cán bộ và bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin; phấn đấu mỗi doanh nghiệp thật sự là một trung tâm đổi mới sáng tạo, chủ động dẫn dắt và đi đầu chuyển đổi kinh tế số. Một số đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không, năng lượng đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số gắn với chiến lược sản xuất, kinh doanh. Nhiều đảng ủy doanh nghiệp đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chiến lược chuyển đổi số với cách tiếp cận khác nhau.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ đơn vị có chiến lược chuyển đổi số hoạch định thuộc nhóm ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng và nhóm ngành năng lượng. Trong đó, Ðảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết về "Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn", với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, có 4 trong số 9 đơn vị đã hoàn thành chiến lược hoặc kế hoạch chuyển đổi số. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển đổi trải nghiệm, đưa khách hàng là trọng tâm để phát triển giải pháp tài chính toàn diện. Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, đặt dữ liệu là tài sản của ngân hàng để khai thác, làm giàu năng lực quản trị, kinh doanh.

Tại các địa phương, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, thông qua các hoạt động cụ thể như tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; xây dựng hạ tầng công nghệ, hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp về chiến lược phát triển nền kinh tế số. Tại Bắc Giang, trên cơ sở Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 chọn đột phá là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 800 doanh nghiệp số, có chỉ số đánh giá về chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Nhiều nội dung chuyển đổi số đã được áp dụng vào ngành y tế tỉnh Bắc Giang. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân khai báo y tế tại Trạm Y tế thị trấn Ðồi Ngô, huyện Lục Nam. Ảnh: NGỌC ANH 

Hành động cụ thể và hiệu ứng kép

Khó khăn bởi dịch Covid-19 đã hình thành bối cảnh thúc đẩy các hoạt động trên môi trường số ở tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Những hình dung về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số dần đi vào cuộc sống từ những hoạt động hằng ngày. Xã hội đã quen với việc học tập, kinh doanh trực tuyến, họp hành không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc hay thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt… Chuyển đổi số thật sự đã tạo ra những giá trị mới và hiệu quả vượt trội.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, kết quả sau hơn nửa năm thực hiện Chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2021, có 8 trong số 10 nội dung chủ yếu đã hoàn thành. Y tế là lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh với 12 trong số 16 bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh. Việc lựa chọn thí điểm triển khai ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại hai xã thuộc hai huyện Việt Yên và Yên Thế cho thấy những tiện ích và hiệu ứng kép đối với công tác quản lý và triển khai nhiệm vụ chuyên môn cũng như thay đổi thói quen của người dân. Tại huyện Việt Yên, Viettel Bắc Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Việt Tiến - nơi được chọn thí điểm, hoàn thành công tác khảo sát, xây dựng lộ trình công việc và các điều kiện bảo đảm triển khai hệ thống đặt khám từ xa; phối hợp các đơn vị y tế thực hiện đồng bộ dữ liệu qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử"; cập nhật tình hình tiêm chủng cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát số liệu tiêm chủng, quản lý vắc-xin và giảm tải lưu trữ hồ sơ, tổng hợp báo cáo. Hồ sơ sức khỏe cá nhân của xã Việt Tiến đã liên thông với tất cả cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện. Việc tích hợp lịch sử khám, chữa bệnh, cập nhật trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" của toàn bộ người dân đã và đang góp phần hỗ trợ hiệu quả các cơ sở y tế và người dân trong khám, chữa bệnh.

Chuyển đổi số đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và nước ngoài. Năm 2021, Bắc Giang ứng dụng công nghệ để khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh truyền thống, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp quan trọng và hiệu quả. Sở Công thương đã lựa chọn, hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến. Các sản phẩm hỗ trợ đưa lên sàn chủ yếu là nông sản và sản phẩm OCOP như vải thiều, mì Chũ, rượu ngô, rượu thóc, nấm thảo dược, siro húng chanh... Nông dân được tập huấn, hướng dẫn kiến thức kinh doanh trực tuyến, kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream. Ðặc biệt, năm 2021, Sở Công thương hỗ trợ một doanh nghiệp của tỉnh có gian hàng giới thiệu sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên sàn quốc tế Alibaba.com, bước đầu đã tạo sức hấp dẫn đối với khách hàng tại các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Ðức. Kết quả tổng sản lượng vải thiều được quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử năm 2021 đạt hơn 7.800 tấn, trong đó có hơn 8 tấn xuất khẩu sang châu Âu qua sàn thương mại điện tử.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã truyền đi thông điệp: "Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh, có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả". Với EVN, chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực hoạt động. Năm 2021 là năm thứ ba liên tiếp, EVN được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Với phương châm, chuyển đổi số để các dịch vụ điện lực trở thành hành trình trải nghiệm của khách hàng, 50% trong tổng số 29,5 triệu khách hàng được lắp đặt công-tơ điện tử thu thập số liệu từ xa. EVN cũng đã cung cấp dịch vụ điện tương đương với dịch vụ công cấp độ 4. Tính đến cuối tháng 11/2021, có 55% số giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ Công quốc gia là các dịch vụ của ngành điện. Việc kết nối với 14 ngân hàng và hơn 40 tổ chức trung gian, giúp khách hàng trên mọi miền đất nước có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, song song với công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để giám sát và điều khiển hệ thống nguồn và lưới điện có quy mô hàng đầu ASEAN. Ðến nay, tổng số nhà máy điện và trạm biến áp có tín hiệu SCADA/EMS đạt 95,27%; trong đó 478 trong số 515 nhà máy điện kết nối tự động với các trung tâm điều độ; 94,3% trạm biến áp 110 kV và 75% trạm biến áp 220 kV đã được điều khiển xa, không người trực. Nội bộ EVN cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái trải nghiệm cho cán bộ, công nhân viên để công tác chuyển đổi số thực hiện nhanh hơn, có thể chia sẻ, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị khác trong một nền kinh tế chia sẻ.

Với những giải pháp đồng bộ và toàn diện mà Ðảng, Chính phủ đã đề ra, lộ trình đạt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tuy rõ ràng nhưng còn không ít khó khăn. Bởi mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Nhiều hạn chế, bất cập đến từ thể chế, chính sách, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội… Phá bỏ rào cản để tiến lên bằng tinh thần chủ động, có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học-công nghệ sẽ tạo đột phá. Áp lực thay đổi đặt ra đề bài buộc cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để tìm ra lối đi phù hợp, bắt kịp tốc độ của kỷ nguyên số, để không bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển và hội nhập./.

Theo Nhân dân

Chia sẻ bài viết