Tiếng Việt | English

29/10/2024 - 09:38

Chuyện ông Bảy Cuốc

Trong một lần công tác tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, chúng tôi được một lão nông nhắc về ông Bảy Cuốc, người được mệnh danh “hậu hiền khai canh” đời nay. Tưởng 2 ông ở gần nhau, hóa ra phải đến tận huyện Thủ Thừa mới gặp được. Mấy chục năm trước, thông tin liên lạc không được như giờ, vậy mà tiếng ông Bảy Cuốc vang tới tận Đức Huệ thì hẳn phải là người đặc biệt.

Chơi cây kiểng là thú vui tuổi già của ông Bảy Cuốc

Ông Bảy Cuốc tên thật là Trịnh Văn Hùng, ngụ ấp 1, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa. Tân Long là xã mới, được sáp nhập từ xã Long Thành và Tân Lập. Ông Bảy Cuốc là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này. Hỏi ông lúc đó ra sao, ông nhấp ngụm trà nói “buồn gần chết!”.

Không buồn sao được khi dõi hết tầm mắt mà không thấy nhà cửa, toàn bàng với năn, cỏ với phèn, người lạc quan đến mấy cũng không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Biết khó nhưng ông Bảy Cuốc chẳng lui bởi về quê (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) thì cũng chỉ đi đào thuê, cuốc mướn chứ không có đất mần ruộng. Cha ông có một cái nền nhỏ mà 3 ngôi nhà chen chúc. Vợ chồng ông thì chịu được nhưng còn 2 đứa con? “Vì khổ quá mà đi” - ông Bảy Cuốc nói.

Nhà nước cấp cho ông lô đất 2,5ha. Biết đó là hy vọng của gia đình, ông bắt tay vào việc. Ông đến lò rèn đặt 1 lưỡi cuốc to gấp rưỡi lưỡi thường, tra cán xong rồi thẳng tiến về vùng đất mới Đồng Tháp Mười.

Tờ mờ sáng, ông vác cuốc ra đồng, làm chừng nào trời chập tối thì nghỉ. Trên đất ấy, cỏ dày như tấm đệm, chưa đào mương, xẻ rãnh nên cực khổ trần ai. Để lật được một cục đất phải cuốc 3 cái, mở miệng 3 bên rồi giựt lên. Khó khăn vậy mà ngày đầu tiên, ông cuốc gần 500m2, trong 48 ngày hoàn thành 2,5ha đất. Nhờ đó, ông “chết” luôn với tên “Bảy Cuốc”.

Ông Bảy Cuốc kể, nhờ lúc đó mùa khô, đất cuốc lên tới đâu phơi tới đó, cỏ chết nên đỡ tốn công sau này. Ông toàn cởi trần làm việc, tấm lưng đen bóng, đôi chân trầy xước vô số chỗ. Bàn tay ban đầu phồng rộp, tươm máu, làm riết chai sạn, thô ráp. Có lúc, ông vô tình vuốt mặt mà chảy máu. Đó là do vết chai dày quá nên tạo thành góc cạnh. Còn cán cuốc ban đầu hình trụ tròn, làm riết chỗ tay cầm bị mòn, lõm vô thấy rõ. Kể tới đây, vẻ mặt ông đầy tiếc rẻ bởi cây cuốc đã lạc mất trong một lần tham gia làm đường.

Nhưng ông chẳng buồn lâu, nhâm nhẩm nhớ rồi kể tiếp. Trong suốt quá trình khai khẩn đất, ông không về quê. Vợ ông ở nhà làm mướn rồi bơi xuồng chở gạo, muối cho ông. Mỗi lần lên thăm, nhìn chồng ngày càng gầy rộc, bà không khỏi xót xa (cuốc xong 2,5ha đất, ông Bảy Cuốc sụt 10kg). Nhưng khi nhìn đám đất đã đổi màu, lòng họ lại mừng khấp khởi, đầy hy vọng vào tương lai.

Ông Bảy Cuốc nói trời thương nên sông, rạch cá ê hề. Suốt 48 ngày, ông ăn cháo cá nhiều hơn ăn cơm. Thỉnh thoảng có dân đi nhổ bàng ghé lại, tối tối cùng uống trà bàn thế sự nên cũng đỡ nhớ vợ con.

Rồi lúa trổ đòng. Mấy vụ đầu tiên, ông thu hoạch chỉ 3 tấn/ha nhưng chuyện người đàn ông với 1 cây cuốc tạo nên mùa vàng đã gây tiếng vang lớn, lan tỏa tinh thần cầu tiến, dám nghĩ, dám làm. Người dân rủ nhau đến đây khai khẩn, hy vọng vào tương lai tươi sáng. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn khi 3-4 mùa lúa đều thất. Ông Bảy Cuốc nói, mười mấy người được cấp đất nhưng giờ chỉ còn 2 hộ trụ lại, trong đó có ông. Họ bỏ đi, bán lại số đất đã khai hoang với giá 1 chỉ vàng/ha.

Ông Bảy Cuốc đến vùng đất mới năm 1990. Nhờ chăm chỉ, kiên trì nên chẳng bao lâu ông có "của ăn của để". Năm 1996, ông mua máy cày. Giai đoạn đó, nhà nào có máy cày là rất khá. Dần dần, ông mua thêm đất, nâng tổng diện tích canh tác lên 14ha. Số đất này ông trồng nếp, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đám ruộng “tổ” ông giao cho người con thứ 2, dặn dò dù thế nào cũng phải giữ gìn kỹ lưỡng.

Xưa các con ông phải dang dở chuyện học hành vì hoàn cảnh khó khăn. Nay các cháu ông nhiều người học đại học, nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt. Ông cũng không ngừng trau dồi kiến thức, tham gia tập huấn để tăng năng suất lúa và bảo vệ môi trường.

Đi lên từ gian khó nên ông hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn. Ông thường góp tiền giúp đỡ hộ nghèo, làm đường, lắp đèn thắp sáng giao thông nông thôn,…

Ở tuổi gần thất thập, ông Bảy Cuốc từ lâu đã “treo cuốc” hưởng cảnh an nhàn nhưng câu chuyện về ông sẽ mãi là động lực cho nhiều người trên hành trình chinh phục cuộc sống./.

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết