Tiếng Việt | English

18/04/2022 - 10:09

Cơ hội cho du lịch đồng bằng (Bài cuối)

Ngay khi Việt Nam vừa mở cửa đón khách, các hoạt động kết nối du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được khởi động, nhanh chóng trở lại "đường đua".

Bài cuối: Liên kết, hợp tác cùng phát triển du lịch

Hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục phát huy vai trò hợp tác giữa các địa phương cùng với TP.HCM, nhất là trong triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch, phấn đấu trở thành điểm đến có sức hút lớn đối với du khách.

Khai thác các điểm, tuyến du lịch

Việc liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng; đồng thời, tạo sự lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM về kết quả thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, giai đoạn 2019 - 2022, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và ĐBSCL là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP.HCM.

Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự liên kết để phát triển du lịch

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) - Võ Anh Tài cho biết, mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng công ty đã xây dựng và triển khai được 3 sản phẩm liên kết theo tuyến là các tour dài ngày đi qua hết các tỉnh, thành trong vùng. Các sản phẩm du lịch hiện đã được truyền thông với công nghệ mới, công nghệ số, được giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí, quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại 14 địa phương nhưng vẫn cần có các chương trình, sự kiện quảng bá chung với thương hiệu ĐBSCL và TP.HCM nhằm quảng bá rộng rãi hơn đến khách hàng trong và ngoài nước.

Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch, Tổng Công ty và đơn vị thành viên Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist tiếp tục phối hợp Sở Du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBCSL tổ chức các lớp chuyên đề đào tạo theo nhu cầu tại các địa phương và riêng của các doanh nghiệp. Trong khi đó, để có thể làm tốt vai trò, tạo sự liên kết về du lịch, Tổng Giám đốc Vietravel - Trần Đoàn Thế Duy đề xuất 3 hướng tuyến chính để phát triển du lịch của vùng, gồm trục hướng Tây Nam, hướng trung tâm và hướng duyên hải.

Chương trình liên kết, hợp tác được xem là cơ hội “vàng” cho du lịch đồng bằng

Trục hướng Tây Nam chủ yếu là đường bộ và biên giới Campuchia, trong đó tập trung phát triển chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn (Long An), vườn quốc gia, Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), du lịch tâm linh chùa Bà Châu Đốc (An Giang) và du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo Nam Du, Phú Quốc (Kiên Giang). Tuyến trục trung tâm là sản phẩm đặc thù nhất của ĐBSCL vì kết nối được đường bộ và hàng không, tập trung phát triển sản phẩm sông nước, du lịch sinh thái (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long), du lịch trải nghiệm văn hóa Tây Đô, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), lịch sử nghệ thuật đờn ca tài tử (Bạc Liêu), du lịch sinh thái rừng ngập mặn, cột mốc cực Nam của Tổ quốc (Cà Mau). Tuyến trục duyên hải là sản phẩm du lịch vùng ven biển, các làng nghề truyền thống xứ dừa (Bến Tre), văn hóa tâm linh, lễ hội văn hóa các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm (Trà Vinh, Sóc Trăng), kết nối với sản phẩm du lịch tại Cà Mau.

Ông Trần Đoàn Thế Duy cũng thông tin: “Để liên kết được tour/tuyến giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, cần thành lập tổ công tác chung để giải quyết vấn đề, tháo gỡ khó khăn. Các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế,... Bên cạnh đó, địa phương cũng cần ban hành gói kích cầu về miễn, giảm vé tại các điểm do Nhà nước quản lý; đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực sau dịch”.

Tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Thị Thắng cho biết, để tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút khách du lịch, năm 2022, TP.HCM đề xuất phối hợp tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm. Đó là tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp thành phố đã khảo sát trong năm 2020. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc, hấp dẫn hơn, nhất là bảo đảm cho du khách an toàn với Covid-19. Các sản phẩm du lịch bằng đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ giữa TP.HCM và ĐBSCL; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác.

TP.HCM và các tỉnh, thành cùng thực hiện nhất quán quy định của Bộ Y tế và ban hành các quy định phòng, chống dịch bệnh, các quy trình xử lý liên quan đến Covid-19 kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tour, tuyến và tạo sự an tâm, khuyến khích du khách đi du lịch. Các tỉnh, thành cũng cần kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm cũng như tổ chức các chương trình tour nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, cần phối hợp để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bổ sung đủ lượng và chất để nâng cao chất lượng phục vụ và sản phẩm. Chú trọng đào tạo các nội dung về quản trị điểm đến và công tác truyền thông, quảng bá cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Trong liên kết, mỗi địa phương cần hình thành nên những điểm, tuyến được xem là thế mạnh của mình

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác và du khách quốc tế đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng. Các tỉnh, thành phối hợp xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; phối hợp tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước để tiết kiệm chi phí và giới thiệu được sức hấp dẫn của sản phẩm vùng đối với khách nội địa cũng như cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực. Các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành trong liên kết đến với doanh nghiệp và du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của các tỉnh, thành và các kênh thông tin đại chúng cần được chú trọng tổ chức có trọng điểm, có chủ đề phù hợp với từng giai đoạn, từng thị trường.

Trong năm 2022, UBND thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng website chung của vùng để có thể thực hiện công tác quảng bá thương hiệu vùng, quảng bá du lịch các địa phương trong liên kết một cách hiệu quả. Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ các tỉnh, thành phố để kịp thời trao đổi thông tin, sản phẩm, mở rộng giao thương giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội để hợp tác xây dựng và bán sản phẩm cũng cần được tổ chức nhiều hơn, luân phiên tại các tỉnh, thành. Song song đó, cần phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng với 5 tỉnh Đông Nam bộ để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch mang quy mô và đặc trưng của vùng.

Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là thời cơ “vàng” để du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL phục hồi, phát triển. Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh, thành như thời gian qua cùng quyết tâm của lãnh đạo các địa phương cũng như sự chủ động, sáng tạo, kiên trì của cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp, tin tưởng rằng, du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết