Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thông qua Nghị quyết số 855/2023/UBTVQH15
Về đối tượng được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra
Theo Nghị quyết số 855/2023/UBTVQH15, các CQTT được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN chỉ gồm các CQTT được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 9 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, cụ thể:
- CQTT theo cấp hành chính, gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và CQTT tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
- CQTT theo ngành, lĩnh vực, gồm: Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương và Thanh tra sở.
- CQTT ở cơ quan thuộc Chính phủ.
- CQTT trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Các khoản được trích: CQTT được trích từ các khoản thu NSNN bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN và các khoản chi NSNN sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN.
Mức trích và việc quản lý, sử dụng kinh phí được trích
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 50 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 50 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 80 tỉ đồng/năm.
CQTT quy định tại điểm b, khoản 1, điểm a và điểm b, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 9 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp đến 10 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 10 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 20 tỉ đồng/năm. CQTT quy định tại điểm c và điểm d, khoản 1; điểm c, khoản 2, Điều 9 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp đến 2 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 2 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 3 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định khá chặt chẽ việc quản lý và sử dụng kinh phí trích, cụ thể:
CQTT lập dự toán kinh phí được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công và pháp luật liên quan. Dự toán chi NSNN của CQTT được lập căn cứ vào các nội dung: Chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định; Báo cáo của CQTT đối với các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra nộp vào NSNN, kèm theo tài liệu chứng minh đã nộp vào NSNN; Nhu cầu chi của CQTT quy định tại Điều 6 và không vượt quá mức trích quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này.
CQTT thuộc NSNN cấp nào thì NSNN cấp đó có trách nhiệm bố trí dự toán chi NSNN hàng năm số kinh phí được trích. Cơ quan có thẩm quyền giao cụ thể dự toán chi kinh phí được trích cho CQTT trong dự toán chi NSNN hàng năm của CQTT hoặc cơ quan chủ quản trong trường hợp CQTT không phải là đơn vị dự toán ngân sách. Việc quyết toán chi kinh phí được trích thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Nguồn kinh phí trích chỉ được sử dụng các khoản được trích để sử dụng vào các nội dung cụ thể sau:
- Chi cho công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của CQTT.
- Chi tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, hội nghị, hội thảo; chi cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức trong các CQTT. Chi khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mức chi khen thưởng, động viên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong CQTT không vượt quá 1 lần tiền lương ngạch, bậc, chức vụ theo quy định của pháp luật cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và chi nghiệp vụ đặc thù phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với công chức của CQTT tại bộ, ngành, địa phương được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù chỉ được áp dụng một mức cao nhất theo cơ chế, chính sách đặc thù của bộ, ngành, địa phương hoặc mức chi khen thưởng, động viên theo quy định của Nghị quyết này.
Nghị quyết số 855/2023/UBTVQH15 sẽ áp dụng từ năm ngân sách 2024./.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, trong giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 77.916 cuộc thanh tra hành chính và 2.170.153 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi về NSNN 376.007 tỉ đồng và 33.238ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 486.114 tỉ đồng, 95.505ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật đối với 18.390 tập thể, 40.044 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 46.926 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.253 vụ, 1.292 đối tượng. |
Kiến Quốc