Tiếng Việt | English

25/05/2019 - 07:25

Cơ sở may gia công tạo việc làm cho lao động nông thôn

Dù được thành lập không lâu nhưng cơ sở may gia công của gia đình chị Phạm Thị Kim Phúc, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tạo điều kiện cho hơn 10 lao động nông nhàn tại địa phương có thu nhập ổn định.

Cơ sở may gia công của chị Phúc tạo việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập ổn định

Cuối năm 2018, được sự hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm từ người thân, chị Phạm Thị Kim Phúc, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng mạnh dạn mở cơ sở may gia công tại gia đình. Khi ấy, chị đến những hộ gần nhà để vận động và hướng dẫn kỹ thuật may cùng cách sử dụng máy may công nghiệp để giúp phụ nữ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thấy công việc nhẹ nhàng, dễ làm, phù hợp với sức khỏe, thu nhập cũng ổn định lại được làm gần nhà nên nhiều người phấn khởi và nhiệt tình tham gia.

Đến nay, cơ sở may của chị Phúc hoạt động khá ổn định và ngày càng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 phụ nữ trên địa bàn. Hiện tại, cơ sở đầu tư 15 máy may, với sản phẩm chính là áo đồng phục cho công nhân và áo khoác.

Quy trình may được phân ra làm 3 công đoạn chính: May cổ, may trụ và may túi. Phụ nữ tham gia được trả tiền công từ 300 - 800 đồng/sản phẩm tùy công đoạn. Từ công việc này, phụ nữ tại cơ sở may có nguồn thu nhập khoảng 100 ngàn đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Vui, ấp Võ Văn Be, xã Vĩnh Bửu tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, không ruộng đất, chủ yếu đi làm thuê. Từ khi may gia công ở cơ sở chị Phúc, tôi vừa có việc làm thường xuyên, có "đồng ra đồng vào" trang trải cuộc sống. Nhiều phụ nữ yên tâm và gắn bó với công việc này”.

Chị Phúc - chủ cơ sở may cho biết, công việc này không khó, chủ yếu may theo công đoạn, người chưa biết có thể học vài ngày là làm được. Chị em hưởng tiền công theo sản phẩm, mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Bửu - Lê Thị Thúy Kiều cho biết, hiện, công việc may gia công đã và đang là hướng đi mới trong giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập; đồng thời giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí giải quyết việc làm - giảm nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích