Quang cảnh một Hội nghị Trung ương Đảng. (Nguồn: TTXVN)
Tại phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng cũng như trong các hội nghị khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần sử dụng thành ngữ "đừng thấy đỏ tưởng là chín" để nói về công tác cán bộ.
Chúng ta đã có những bài học đắt giá về vấn đề nhân sự khi nhầm lẫn giữa biểu hiện bên ngoài và bản chất bên trong.
Không lóa mắt trước những sắc màu
Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và lĩnh vực xây dựng Đảng nói riêng. Đây cũng là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm vì đó là "công tác con người."
Người làm công tác cán bộ phải hết sức tỉnh táo để nhìn thấu bản chất của sự việc qua các lớp sơn phết rực rỡ, chẳng hạn như những bản báo cáo "kêu như chuông."
Nếu ở một đơn vị, địa phương có nhiều điểm nóng, nhiều đơn khiếu kiện mà tại đó 100% chi bộ trong sạch, vững mạnh; 90-95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì những con số đẹp này chính là biểu hiện của căn bệnh thành tích. Chúng ta rất cần các cơ sở đảng trong sạch, các đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng đó phải là thành tích thật, được đánh giá một cách thực chất chứ không phải "sống ảo."
"Bệnh thành tích" là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên và tổ chức đảng được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Điều này đặc biệt nguy hiểm trong lĩnh vực xây dựng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là "bệnh hữu danh vô thực," "làm được ít thì suýt ra nhiều"…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nếu không có "con mắt tinh đời" như Tổng Bí thư đòi hỏi ở đội ngũ làm công tác cán bộ thì việc "thấy đỏ tưởng là chín" cũng rất dễ xảy ra trước hiện tượng "đoàn kết xuôi chiều."
Việc lợi dụng các đợt phê bình và tự phê bình để hạ bệ nhau, củng cố lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm được coi là điều đáng sợ đối với một tổ chức đảng. Tuy nhiên, hiện tượng trái ngược - "im lặng là vàng," xuê xoa, né tránh, nương theo ý của lãnh đạo cũng đáng sợ không kém. Đó là căn bệnh "đoàn kết xuôi chiều," "dân chủ hình thức."
"Đoàn kết xuôi chiều" được Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (từ ngày 4-7/10/2021) nhận diện là sự suy thoái trong nhận thức và trong hành động của cán bộ, đảng viên. Căn bệnh nguy hiểm ở chỗ không gây tác hại tức thì, không biểu hiện rõ ràng như tình trạng mất đoàn kết để có thể "kích hoạt sự miễn dịch" của tổ chức Đảng. Nó phá hoại sức mạnh của Đảng một cách từ từ, lặng lẽ.
"Đoàn kết xuôi chiều" về lâu dài sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn hình thành nhóm lợi ích, tác động tiêu cực đến tư tưởng và tâm lý xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Về căn bệnh "đoàn kết xuôi chiều," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, 'ngậm miệng ăn tiền' hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ đều là không đúng."
Trong những năm qua, có một số cán bộ trẻ nhiều triển vọng được lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương nhưng rồi họ nhanh chóng bị cách chức hết các chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Điều này là do các cán bộ đó có động cơ phấn đấu không trong sáng, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã "tự chuyển hóa," sa ngã. Tuy nhiên, đây cũng là bài học đắt giá trong lĩnh vực quy hoạch cán bộ trẻ, là việc "thấy đỏ tưởng chín" và "nhìn gà hóa cuốc."
Điển hình là các trường hợp Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh ở Đà Nẵng.
Ngày 14/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Cảnh lúc đó mới 36 tuổi, từng giữ chức Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) và được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng vào tháng 8/2017.
Ông Cảnh đã vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.
Trước đó, ngày 6/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Ông Nguyễn Xuân Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. (Nguồn: TTXVN)
Ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư Đà Nẵng từ tháng 10/2015 khi mới ở tuổi 40, hai năm liền là "Bí thư (Thành ủy, Tỉnh ủy) trẻ nhất nước," từng có những phát ngôn rất hùng hồn khi mới nhậm chức.
Ông Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; quyết định nhân sự theo cách áp đặt; kê khai bằng cấp thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm…
Không cứng nhắc, cầu toàn
Về công tác nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý rằng trong quá trình lựa chọn, bố trí nhân sự cụ thể thì không được quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa.
Trái ngược với việc "thấy đỏ tưởng chín" là thái độ e dè, cầu toàn trong đánh giá, sắp xếp cán bộ, nhất là đối với đảng viên trẻ, tức là không chăm bón mà ngồi chờ "quả tự chín."
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một quá trình, không phải việc của ngày một, ngày hai. Nếu đánh giá cán bộ một cách cứng nhắc, cầu toàn, không đặt trong sự chuyển động của bối cảnh xã hội và sự vận động của chính các cán bộ đó thì chúng ta có thể bỏ lọt những người có tâm, có triển vọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiệm vụ cách mạng luôn vận động và biến đổi, do đó đội ngũ cán bộ cũng phải thay đổi theo. Việc đánh giá cán bộ thường xuyên sẽ giúp bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; giúp cho tổ chức nắm chắc đội ngũ cán bộ để có chính sách và biện pháp thích hợp, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ.
Đánh giá cán bộ không phải qua những biểu hiện bên ngoài mà phải xem xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ, phải đứng trên quan điểm "động" và "phát triển": Người nhắc nhở: "Trong thế giới cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của con người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Một người cán bộ khi trước không có sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm, quá khứ, hiện tại và tương lai của một người không phải luôn luôn giống nhau."
Người nhấn mạnh: Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái... mà phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây quý. Khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được.
Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi trước và cán bộ kế cận. Những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, được rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế. Còn cán bộ trẻ là những người hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cong-tac-nhan-su-cua-dang-nhung-bai-hoc-dat-gia-khi-thay-do-tuong-chin-post938299.vnp