Tiếng Việt | English

09/11/2020 - 08:17

Của cho không bằng cách cho

Đã thành nét đẹp của dân tộc, mỗi khi dịch bệnh, thiên tai thì truyền thống “Lá lành đùm lá rách” lại được phát huy, thu hút sự tham gia tích cực của rất nhiều nhà hảo tâm. Việc một số cá nhân vận động được số tiền hàng trăm tỉ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung trong trận lũ kinh hoàng là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đi kèm với những việc làm từ thiện đó cũng tràn ngập bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội: “Cô A làm từ thiện không cần đến chính quyền”, rồi “chính quyền đâu, tại sao không làm từ thiện?”. Cùng với sự so sánh “chính quyền thua một cô gái”, “chính quyền chỉ giỏi tham nhũng”,...

Giúp dân trong cơn lũ lớn

Xin thưa! Chính quyền không phải là một cơ quan từ thiện. Tính chất của chính quyền là quản lý, nghĩa là có sự bắt buộc và có ảnh hưởng trên từng người dân. Do đó, chính quyền không quyên góp vì chưa bảo đảm tính tự nguyện của người dân. Chính quyền cũng không thể trực tiếp quản lý quỹ từ thiện. Khi có thiên tai, chính quyền có nhiệm vụ sử dụng mọi nguồn lực trong việc cứu nạn, cứu trợ, đó là trách nhiệm chứ không phải từ thiện.

Rồi đi kèm những hoạt động cứu trợ là những tin đồn thất thiệt như trưởng thôn thu lại tiền cứu hộ của người dân. Ngay lập tức, cư dân mạng gào lên: “Tử hình nó đi!”, “Đồ ăn cướp!”, “Chính quyền cướp tiền cứu trợ nhân dân vùng lũ!”,... thậm chí còn đưa ra nhiều lời lẽ hết sức thô tục khác. Họ có biết đâu, trong cơn lũ, hàng chục đoàn đến cứu trợ, thôn lập danh sách cho bà con theo dạng cuốn chiếu, hộ nhận trước rồi thì nhường cho hộ nhận sau. Vấn đề là ở chỗ, tiền cứu trợ mỗi đoàn khác nhau, đoàn này thì trị giá tiền quà 1 triệu đồng/hộ, đoàn kia thì 3 triệu đồng/hộ, có đoàn thì trị giá tiền quà lên đến 10 triệu đồng/hộ. Nhằm bảo đảm công bằng, thấu đạt tình làng, nghĩa xóm, thôn tạm thu lại tiền cứu trợ, sau đó sẽ chia lại cho bà con theo hướng hộ nào khó khăn sẽ được nhiều hơn, việc thu lại tiền là thực hiện theo hương ước, luật lệ chung của người dân trong thôn. Các hộ dân tự nguyện gửi lại số tiền mình nhận một cách vui vẻ, ký tên với sự chứng kiến của nhiều người. Hoàn toàn không có chuyện “ăn chặn” hay “bớt xén” ở đây. Vậy mà, họ gào lên chửi mắng trưởng thôn, chính quyền, nhưng mấy ai biết trưởng thôn là do dân bầu ra, chẳng có quyền hành, bổng lộc gì, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Chẳng hạn, trường hợp ông Hoàng Thái Nhân - cán bộ Mặt trận ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, đã mất vì kiệt sức sau khi giúp dân chống lũ. Hành động đẹp này chẳng thấy mấy ai trên cộng đồng mạng ca ngợi, chia sẻ.

Rồi việc một đoàn từ thiện cứu trợ lũ lụt ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị, gần tới phút chót thay đổi một quyết định hết sức oái oăm: “Chỉ hỗ trợ nhà nào ngập trên 1m”. Tuy ngập dưới 1m nhưng đó là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa lại không được cứu trợ, hộ ngập trên 1m nhưng lại là hộ giàu thì vẫn được cứu trợ? Rồi chính quyền xét duyệt lại danh sách, hỗ trợ hậu cần đưa đón bà con đến trước 3 giờ để nhận hàng cứu trợ.

Không chỉ vậy, nhiều đoàn từ thiện còn hùng hồn tuyên bố: Làm từ thiện không cần đến chính quyền. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Bình có 128 xã, để không bị chửi là “vô cảm” thì mỗi xã phải mua 100 xuồng, ghe (6 triệu đồng/chiếc) để phục vụ chu đáo tất cả các đoàn (hơn 100 đoàn), chính quyền phải bỏ ra kinh phí gần 77 tỉ đồng. Làm từ thiện thì ít mà khua chiêng, gõ mõ thì nhiều, trong khi ông Phạm Nhật Vượng chi gần 450 tỉ đồng hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19, 333 tỉ đồng cứu trợ đồng bào vùng lũ và Quỹ Vì người nghèo; vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Kiểm (tỉnh Đồng Nai) chi 20 tỉ đồng cứu trợ đồng bào vùng lũ; biết bao tập thể, cá nhân khác, bao mẹ già trắng đêm gói bánh, em thơ nhịn ăn sáng góp tiền ủng hộ miền Trung,... mà chẳng mấy ai biết đến, tôn vinh, chia sẻ.

Bão, lũ nổi lên, các vụ sạt lở đất kinh hoàng liên tiếp xảy ra đều có sự vào cuộc từ rất sớm của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, quân đội nói riêng. Hay nói đúng hơn đó là sự chung tay, tiếp sức của cả hệ thống chính trị. Lũ bất ngờ dâng cao ngập tận nóc nhà, ai cứu dân ra? Dân bị cô lập trong dòng lũ xoáy, nơi mà xuồng ghe không thể tiếp cận được thì ai mang từng hộp cơm, gói mì, lương khô bơi qua dòng nước tiếp tế cho dân? Ai xông vào khiêng vác di dời tài sản, vật dụng trong nhà cho dân đến nơi an toàn? Những công việc ấy mang ý nghĩa rất lớn đối với dân nhưng lại rất thầm lặng. Bởi các anh chỉ lặng lẽ làm, xem đó là trách nhiệm xuất phát từ trái tim và lòng yêu thương đồng bào mình. Các anh không phô trương, không hình thức, chỉ làm theo mệnh lệnh từ trái tim. Có chiến sĩ vừa bưng chén cơm lên rồi lại đặt xuống và tiếp tục lao vào vùng tâm lũ. 230 đồng bào, chiến sĩ miền Trung mất mát, hy sinh và còn rất nhiều đồng bào ở biển khơi, núi non bị vùi lấp chưa tìm thấy được. Như thế thì làm sao có những bức ảnh lung linh, các clip rõ nét như các đoàn đi làm từ thiện được chứ?

Từ trước đến nay, câu chuyện “Của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều nhà hảo tâm. Một số hạn chế, bất cập của hoạt động từ thiện trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chống hạn, mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt miền Trung,... một lần nữa lại chỉ ra những vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này cũng như không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của nhân dân. Vì vậy, dù vui mừng khi tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc được phát huy khi đại dịch, thiên tai xảy ra, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta cần nâng cao và thay đổi về nhận thức, hành động để tăng cường lợi ích, hiệu quả của hoạt động từ thiện./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết