Các đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tham gia thảo luận tại Phiên họp Tổ sáng ngày 26/10
Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Tại buổi thảo luận, Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tham gia phát biểu về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, Chính phủ cần rà soát, có sự phân bổ quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng trồng lúa, phát triển công nghiệp, quy hoạch cao tốc cần có đồng bộ, hoài hòa và hợp lý giữa các vùng miền.
Tham gia thảo luận Tổ tại buổi sáng ngày 26/10, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An - Lê Thị Song An đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển tích cực. Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, dự kiến và ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 103/2023/QH15. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; xuất, nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Kết cấu hạ tầng hạ tầng giao thông có bước đột phá mới, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác,…
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chỉ tiêu đề ra trong năm 2025, đại biểu Lê Thị Song An tham gia góp ý đối với một số vấn đề cụ thể.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An kiến nghị cần đẩy mạnh các dự án giao thông kết nối vùng tại Long An
Về lĩnh vực giao thông
Đại biểu Lê Thị Song An cho biết, trong thời gian qua, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Long An được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH không chỉ của riêng tỉnh Long An mà còn đóng góp vào sự thành công, sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Gần đây nhất là vào ngày 16/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại TP.Cần Thơ và là lần thứ 6 Thủ tướng họp với các bộ, ngành và 12 địa phương trong khu vực về nội dung này, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong phát triển hạ tầng giao thông chiến lược tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, để các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sớm hoàn thành theo chủ trương và tiến độ đề ra, tạo sự liên kết mạnh mẽ trong phát triển vùng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị:
Thứ nhất, Về chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62, đại biểu Song An cho biết, Quốc lộ 62 là tuyến huyết mạch nối Quốc lộ 1 từ trung tâm TP.Tân An, tỉnh Long An về vùng Đồng Tháp Mười, tiếp giáp khu vực biên giới Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Đây cũng là 1 trong 3 tuyến Quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Cử tri phấn khởi và vui mừng khi Trung ương có quyết định này. Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực phối hợp các bộ, ngành và địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán ký kết hiệp định vay với Ngân hàng Thế giới, lập thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và phấn đấu khởi công dự án này trong năm 2025. Qua tìm hiểu, do nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới đòi hỏi nhiều thủ tục nên tiến độ đầu tư dự án còn chậm. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án để Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện các thủ tục pháp lý, khởi công xây dựng dự án trong năm 2025. Bên cạnh đó, có thể xem xét đầu tư Quốc lộ 62 chuyển nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhằm đáp ứng sự mong mỏi của cử tri tỉnh Long An.
Thứ hai, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Đức Hòa (Long An) - Mỹ An (Đồng Tháp) dài khoảng 74km đi trùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây có quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, tuyến đi trùng Quốc lộ N2 - đoạn qua tỉnh Long An đã được đầu tư xây dựng với quy mô cấp IV, 2 làn xe, nối nhiều tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 62, Quốc lộ N1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tạo sự kết nối giữa các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, với lưu lượng giao thông đi lại giữa các tỉnh ngày càng cao trong khi chất lượng nền, mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng rất nhiều, dẫn đến năng lực thông hành nhiều đoạn tuyến quá tải, ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Để đảm bảo an toàn giao thông, đại biểu Lê Thị Song An tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải kịp thời bố trí kinh phí để sửa chữa các đoạn hư hỏng; đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí vốn đầu tư công để nâng cấp quốc lộ này đạt quy mô theo quy hoạch trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây về giao thương, đi lại. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trong khu vực về việc mở rộng cao tốc này làm cơ sở hoàn thiện trình cấp thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, với lưu lượng giao thông ngày càng tăng hiện nay, dẫn đến sự quá tải, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông liên tục xảy ra, trong khi tuyến đường này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển KT-XH cho các tỉnh phía Nam.
Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là hết sức cấp thiết. Đại biểu đề nghị, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sớm có chủ trương thu phí trở lại cao tốc TP.HCM -Trung Lương, vừa tạo nguồn thu cho công tác duy tu, bảo dưỡng đoạn cao tốc này, vừa bổ sung kịp thời nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đại biểu Lê Thị Song An cho biết, việc giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông trong các trường nghề theo Nghị quyết số 06/NQ-CP, ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KT-XH và Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và đảm bảo quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chương trình giảng dạy, việc quản lý thu-chi các khoản học phí khi thực hiện giảng dạy chương trình phổ thông này. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ phân luồng học sinh còn thấp, chưa đạt mục tiêu mà Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 đã đề ra. Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về khối lượng dạy văn hóa và các quy định liên quan đến thu-chi các khoản học phí trong các trường nghề làm căn cứ pháp lý cho các địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, tham mưu Chính phủ đánh giá, tổng kết Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” được ban hành kèm theo Quyết định số 522-QĐ/CP, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp mạnh cho các địa phương xem xét quyết định các chỉ tiêu phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, từng vùng và đáp ứng nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Đối với nội dung liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, đại biểu Lê Thị Song An cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm, thậm chí còn gây bức xúc trong nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, tất cả những quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã được bãi bỏ bởi Quyết định số 2499 của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có văn bản nào thay thế. Đại biểu Lê Thị Song An kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy định thay thế Thông tư số 17/2012/TT, ngày 16/5/2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, quản lý thực hiện có hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước.
Cuối cùng, đại biểu Lê Thị Song An cho biết, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, là 1 trong 12 dự án yếu kém đang thực hiện tái cơ cấu. Dự án này được khởi công xây dựng cách đây hơn 20 năm, với số tiền hơn 3.400 tỉ đồng, nhưng đến nay không thể đi vào hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, công nghệ sản xuất không phù hợp, gây lãng phí rất lớn về đất đai và nguồn lực đầu tư. Đây cũng là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An – Lê Thị Song An tiếp tục kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm đối với dự án này, vì kéo dài càng lâu, lãng phí nguồn lực càng lớn, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, vốn, tài sản nhà nước. Đồng thời, cũng sớm cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch đất thuộc khu vực dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam khoảng 45,37ha chuyển sang quy hoạch thành khu đô thị sinh thái gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh./.
ND