Hưởng ứng Ngày Dân số (DS) Thế giới 11/7 năm nay cũng là dịp cả thế giới cùng kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về DS và phát triển (ICPD Cairo, năm 1994).
Với sự tham gia của 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Hội nghị tại Cairo đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu, rộng trong lĩnh vực DS và phát triển, cùng thống nhất quan điểm cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa DS và phát triển.
Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng, các quốc gia vẫn đang đối mặt các vấn đề của DS toàn cầu. Đó là chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản vẫn còn cao. Theo Quỹ DS Liên hợp quốc, mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản. Từ năm 2022 đến năm 2030, nếu chúng ta chi thêm 79 tỉ USD để giải quyết vấn đề nhu cầu về KHHGĐ và phòng tránh tử vong bà mẹ có thể sẽ ngăn chặn 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu sống khoảng 1 triệu phụ nữ và tạo ra 660 tỉ USD lợi ích kinh tế...
Cũng trong 30 năm qua, công tác DS-KHHGĐ của nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-X. Thông tin từ Bộ Y tế, trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển KT-XH giữa các vùng và các nhóm dân cư. Nước ta cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Việt Nam, tỉnh Long An đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới. Tốc độ gia tăng DS đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006. Cơ cấu DS chuyển dịch tích cực, DS trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ DS vàng. Chất lượng DS được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện.
Tuy nhiên, nước ta còn gặp một số thách thức: Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa DS nhanh; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết chậm khắc phục;…
Ở Long An, hiện nay, tổng tỷ suất sinh là 1,64 con/phụ nữ và là 1 trong 21 tỉnh, thành phố được xếp vào khu vực có mức sinh thấp (dưới 2,1 con/phụ nữ). Mức sinh của nhóm DS khó khăn nhất vẫn cao nhất; địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, đô thị hóa cao thì mức sinh có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến nguy cơ già hóa DS nhanh trong thời gian tới nếu như chúng ta không có biện pháp phù hợp kịp thời. Cùng với đó, xu hướng kết hôn muộn, độ tuổi của nam, nữ thanh niên kết hôn tăng; nhóm người trong độ tuổi lao động giảm;... tác động gây nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác DS trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị tổng kết công tác DS năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa - Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS và phát triển tỉnh, nhấn mạnh công tác DS trong tình hình mới cần phải chú trọng toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư, đặc biệt là chất lượng DS đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố KT-XH, an ninh - quốc phòng, bảo đảm phát triển bền vững. Ngành Y tế cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành bảo đảm công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực chất, đi vào chiều sâu, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời điểm; nghiên cứu, trao đổi, học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng thực hiện.
Hưởng ứng Ngày DS Thế giới năm nay, cần truyền thông rộng rãi, mạnh mẽ cho người dân về lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; chú trọng việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi;...
DS là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. DS chính là con người, nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con người là đối tượng, mục tiêu, động lực và nguồn nhân lực quan trọng nhất. Do vậy, cần hết sức quan tâm, giải quyết các vấn đề DS và phát triển đạt hiệu quả tốt nhất.
Công tác DS là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp của ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách DS chính là giải pháp hiệu quả nhất./.
|
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
|
Tân An