Tiếng Việt | English

20/09/2023 - 09:56

Dân vận khéo góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững các tiêu chí (TC) đã đạt và từng bước xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, công tác dân vận khéo (DVK) là giải pháp quan trọng, luôn được đẩy mạnh.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Hàng năm, Đảng ủy xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An ban hành nghị quyết, kiện toàn Ban Chỉ đạo XDNTM, tổ chức các cuộc họp rà soát các TC và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, MTTQ và các đoàn thể. Vai trò nêu gương của người đứng đầu luôn được phát huy.

Thành viên Ban Chỉ đạo bám sát cơ sở nhằm lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó, có giải pháp phù hợp tình hình thực tế và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình XDNTM nâng cao.

Xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân phục hồi diện tích thanh long bị hư hại và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Xác định có DVK thì việc XDNTM mới thành công nên Đảng ủy, chính quyền xã lãnh, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình DVK gắn với thực hiện các TC NTM nâng cao.

Người dân hiểu rõ XDNTM nâng cao là quyền lợi, nghĩa vụ của mình và đồng thuận hiến đất, góp tiền xây dựng đường giao thông, công trình thắp sáng và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự. Xã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân phục hồi diện tích thanh long bị hư hại và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ông Trần Văn Giàu (ấp Bình Ân, xã Hiệp Thạnh) chia sẻ: “Được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi phục hồi lại 0,25ha thanh long. Ngoài ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, gia đình tôi còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường và các phong trào của địa phương”.

Hiện toàn xã có 702ha thanh long, trong đó, có 309ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (đạt 100% chỉ tiêu huyện giao). Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã có sản phẩm dưa leo baby Năm Xuân được công nhận sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh - Trần Tấn Vĩnh cho biết: “Đến nay, xã hoàn thành 19/19 TC NTM nâng cao (theo Bộ TC mới), đang trình hồ sơ về tỉnh để được phúc tra công nhận. Bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. 100% tuyến đường trên địa bàn xã được nhựa hóa, bêtông hóa. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, 7/7 nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu tập luyện thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của người dân và tổ chức các cuộc hội nghị, sinh hoạt.

Xã đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc hoa, cây xanh; thu gom, phân loại và xử lý rác thải đúng theo quy định nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”.

Giữ vững các tiêu chí

Ngay sau khi đạt chuẩn NTM năm 2014, xã Bình Tâm, TP.Tân An chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các TC, không thụ động, trông chờ, ỷ lại vốn của cấp trên, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao theo lộ trình đề ra. Trong đó, công tác dân vận được xác định là giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả tích cực.

Hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, 100% tuyến đường liên xã, trục ấp được nhựa hóa, bêtông hóa và cứng hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Đời sống người dân từng bước nâng cao với thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng/năm. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 96%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị được kiện toàn, hoạt động hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn được xã Bình Tâm, TP.Tân An quan tâm thực hiện

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Tâm - Nguyễn Huỳnh Điệp cho biết: “Đạt danh hiệu xã NTM đã khó nhưng để duy trì và giữ vững các TC còn khó hơn, đặc biệt là phấn đấu để đạt xã NTM nâng cao. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng thực hiện công tác DVK trong XDNTM. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện theo đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Xã tiếp nhận hồ sơ hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giúp người dân thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính. Công tác dân vận chính quyền gắn với tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi số cũng được chú trọng”.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình DVK được triển khai như Mỗi khu dân cư một công trình; Camera giám sát an ninh, trật tự; Mỗi tháng một hoàn cảnh; Bữa sáng yêu thương; Môi trường thân thiện, thiện nguyện sẻ chia; Hỗ trợ nhau trong chăn nuôi;... Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn xã Bình Tâm, TP.Tân An được đầu tư xây dựng

Theo Bộ TC mới, đến nay, xã Bình Tâm đạt 10/19 TC NTM nâng cao. Nhằm phấn đấu “về đích” NTM nâng cao vào năm 2025, xã tiếp tục đề xuất cấp trên hỗ trợ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các TC chưa đạt, đạt yếu; vận động xã hội hóa mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp nhằm phục vụ tốt đời sống tinh thần cho người dân. MTTQ và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, mạnh thường quân tích cực hưởng ứng các mô hình, phong trào do địa phương phát động.

Phát huy sức mạnh toàn dân

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng xã NTM nâng cao. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2020. đến nay, xã đạt 10/19 TC NTM nâng cao.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường thông tin: “Phong trào thi đua DVK gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Với sự quan tâm của cấp trên cùng sự đồng thuận của người dân, sau nửa nhiệm kỳ, địa phương nâng cấp, mở rộng 19 công trình giao thông; nạo vét 6 công trình thủy lợi; lắp đặt 18 tuyến ống nước sạch và xây dựng một số công trình phụ khác với tổng kinh phí trên 14 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 3 tỉ đồng.

Ngoài ra, địa phương cũng hoàn thành công trình trọng điểm (mở rộng 3 tuyến đường, gồm: Đường Cầu Bà Tổng, Cầu Đình và Cầu Dừa) với tổng kinh phí trên 3,3 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp 700 triệu đồng”.

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ được đầu tư xây dựng từng bước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/HU của Huyện ủy về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, xã tiếp tục nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cầu Dừa với tổng kinh phí trên 3,6 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 723 triệu đồng; đến nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Địa phương đang triển khai công trình đường Cầu Đình (liên ấp Nhựt Tân - Nhựt Long).

Những kết quả đã đạt góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đến nay, hầu hết tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều được nhựa hóa hoặc bêtông hóa bảo đảm cho xe ôtô lưu thông dễ dàng. Thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng/năm. Hộ dân sử dụng nước sạch của xã đạt 85%. Nhiều tuyến đường giao thông được người dân trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Phong trào thi đua DVK gắn với XDNTM được các địa phương triển khai hiệu quả, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Qua đó, phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo lộ trình đề ra./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết