Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh “là một cuộc chiến khổng lồ với nghèo nàn lạc hậu” và căn dặn: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Người cũng căn dặn: “Theo ý tôi, việc phải cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình...”.
Từ những tư duy “đêm trước đổi mới”, “khoán chui”, “xé rào”, làm thí điểm,... Đại hội Đảng lần thứ VI thực sự đem lại luồng sinh khí mới; “cởi trói”, “đổi mới”, “tự cứu mình", đưa đất nước ra khỏi đói nghèo. Sự đổi mới mang tính bước ngoặt, chuyển từ cơ chế quan liêu, bao cấp sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sự đổi mới đường lối đối ngoại đã đưa đất nước ta ra khỏi cơn bĩ cực, giành nhiều thành tựu to lớn, vẻ vang.
Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, Đảng ta từng cảnh báo: Bên cạnh luồng gió mát lành sẽ có “ruồi nhặng”, tiêu cực xâm nhập. Nếu không cảnh giác sẽ gây ảnh hưởng bất lợi, nguy hiểm.
Không thể phủ nhận những việc đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có những chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng nhưng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong cán bộ, đảng viên.
Từ chỗ “có một số đảng viên” suy thoái rồi đến “một bộ phận”, sau đó là “một bộ phận không nhỏ” và “trong một bộ phận không nhỏ ấy có cán bộ cao cấp”. Nghị quyết của Đảng đã chính thức nhìn nhận tình hình như vậy. Càng ngày càng thấy đó là nhìn nhận đúng, chính xác. Cứ nhìn vào các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu thì từ Nam chí Bắc, từ nông thôn, miền núi đến thành thị, từ cấp xã đến cấp Trung ương,... đều có cán bộ vi phạm.
Đáng buồn là nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng rất ít khi tổ chức Đảng phát hiện được qua sinh hoạt, kiểm tra, giám sát, mà phần lớn là do nhân dân, báo chí phát hiện. Thậm chí, qua kiểm tra, giám sát đều đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng thì “trong sạch, vững mạnh”, đề xuất khen thưởng. Tình hình ấy đã cho thấy sự suy thoái do nể nang, né tránh, xuôi chiều hoặc không dám nói lên sự thật.
Nói thẳng thắn là, lòng tin của nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có nơi, có lúc bị suy giảm. Không ai muốn như vậy nhưng đó là một thực tế khách quan, không thể né tránh hoặc nói khác được. Chúng ta phải đối diện với thực tế ấy, hiểu cho đến cùng, tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết hiệu quả nhất. Trước thực trạng như vậy, nếu chúng ta còn che giấu, “tô hồng” sẽ tiếp tục làm giảm niềm tin của nhân dân.
Hiện nay, nhân dân vẫn chờ đợi, kỳ vọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dân muốn mỗi tổ chức, đảng viên thấm nhuần, làm theo lời Bác dạy: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.
Huyền Linh