Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 10:25

Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam : Địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn

Những năm tháng kháng chiến đã lùi xa, đất nước được hòa bình, độc lập và ngày càng phát triển nhưng những căn cứ, tư liệu, hình ảnh của cuộc chiến năm xưa vẫn được lưu lại, gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.

Đoàn cán bộ Báo Long An

Chúng tôi về căn cứ Trung ương Cục miền Nam – một cơ quan đầu não kháng chiến tại Nam bộ của quân và dân ta để hiểu hơn về hoàn cảnh sống, chiến đấu, làm việc của những người cán bộ năm xưa. Trời vừa sáng, khi những giọt sương đêm còn lưu lại trên những lá cây rừng, chúng tôi men theo Quốc lộ 22B để đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam cách thành phố Tây Ninh khoảng hơn 60km, đóng tại địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và cách biên giới Campuchia gần 3km. Nơi đây là cơ quan cao nhất đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Nam bộ. Mang một ý nghĩa to lớn, hiện nay, Trung ương Cục được phục dựng trở lại để tái hiện hoàn cảnh sống, làm việc và chiến đấu của quân dân miền Nam. Với những tên gọi khác nhau như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam), căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt căn cứ), căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng – người giữ chức vụ Bí thư tại Trung ương Cục thời gian dài), căn cứ địa Bắc Tây Ninh, hiện nay Trung ương Cục trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình tìm về nguồn của du khách.

Đoàn đến thăm nhà trưng bày của Trung ương Cục miền Nam

Năm 1961, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, để lãnh đạo quân dân miền Nam kháng chiến, Trung ương Cục được thành lập thay cho Xứ ủy Nam bộ. Đến ngày giải phóng, Trung ương Cục trải qua 3 đời bí thư: Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư đầu tiên (1961 -1964), đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1964-1967), đồng chí Phạm Hùng (1967-1975).

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi chính là nhà trưng bày. Tại đây, có khoảng 1.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về đời sống sinh hoạt cũng như chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng năm xưa ở khu căn cứ. Theo chân của hướng dẫn viên tiến bước vào sâu trong khu rừng-nơi ở và làm việc của các cán bộ, chiến sĩ, con đường nhỏ quanh co, uốn lượn, dẫn vào sâu trong căn cứ, 2 bên đường vẫn còn ẩm ướt, sương mù chưa tan của buổi sáng sớm, chúng tôi qua suối Tiên Cô rồi các trạm bảo vệ, canh gác, nhà họp để đến những ngôi nhà ở, làm việc của các đồng chí bí thư như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và các đồng chí lãnh đạo khác tại căn cứ: Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung,... Tất cả được phục dựng lại như thời kháng chiến, ngôi nhà đơn sơ được lợp bằng lá Trung Quân – một loại lá rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và đặc biệt không bắt lửa. Những vật dụng trong nhà như giường, tủ, ghế, bàn làm việc,... đều lấy từ chất liệu tre, gỗ và được đặt đúng vị trí mà các đồng chí ngày xưa đã sử dụng. Bên cạnh nhà, có hầm trú ẩn chữ A nửa chìm, nửa nổi được liên thông với các giao thông hào xung quanh để tránh bom đạn của kẻ thù. Sống trong rừng, hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ không những phải đối mặt với các đợt nhả đạn, phun bom của kẻ thù mà còn đối mặt với các loài rắn độc, các căn bệnh nguy hiểm như sốt rét,... Mặc dù hoàn cảnh sống thiếu thốn về mọi mặt nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững ý chí, tinh thần chiến đấu chống quân thù, giải phóng miền Nam. Họ sống và chiến đấu theo tinh thần 3 không “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để bảo mật căn cứ, thông tin của cuộc chiến. Tinh thần chiến đấu quật cường ấy đã được đền đáp xứng đáng bằng thành quả kháng chiến thắng lợi cho dân tộc.

Năm 1990, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Được đến thăm khu căn cứ không những giúp mọi người hiểu rõ truyền thống đấu tranh gian khổ, đầy hy sinh nhưng hào hùng của dân tộc mà còn giáo dục tư tưởng, ý chí, tinh thần và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thanh Mỹ 

Chia sẻ bài viết